Theo FCC hôm 2-10, Công ty Truyền hình vệ tinh Dish Network phải nộp phạt 150.000 USD vì không đưa vệ tinh EchoStar-7 của mình ra khỏi quỹ đạo.
Vệ tinh này đã ở trong không gian hơn 2 thập kỷ. Thay vì đưa vệ tinh rời khỏi quỹ đạo đúng cách, Dish Network đã đưa nó vào "quỹ đạo thải bỏ" ở độ cao đủ thấp để gây rủi ro liên quan đến rác không gian.
Ông Loyaan A Egal, một quan chức FCC, cho biết: "Khi hoạt động vệ tinh trở nên phổ biến hơn và nền kinh tế vũ trụ tăng tốc, chúng ta phải chắc chắn rằng các nhà khai thác tuân thủ các cam kết của họ." Theo ông Egal, quyết định phạt nói trên là diễn biến đột phá, qua đó cho thấy FCC có thẩm quyền và khả năng thực thi mạnh mẽ những quy định quan trọng về rác vũ trụ.
Công ty Dish Network (Mỹ) vừa phải nộp phạt vì vi phạm quy định chống mảnh vỡ trong không gian Ảnh: Reuter
Theo báo The Guardian (Anh), Dish Network hồi năm 2002 phóng vệ tinh EchoStar-7 vào quỹ đạo địa tĩnh, cách trái đất 36.000 km. Vào năm 2012, Dish Network đồng ý với kế hoạch, theo đó sau khi sứ mệnh hoàn thành, họ sẽ đưa EchoStar-7 di chuyển vị trí cao hơn nơi nó hoạt động 300 km.
Khi đó, nó sẽ được vào một "quỹ đạo nghĩa địa", không gây rủi ro cho các vệ tinh đang hoạt động khác. Tuy nhiên, đến năm 2022, Dish Network nhận ra họ không thể thực hiện kế hoạch trên do không có đủ nhiên liệu đẩy. Thay vào đó, vệ tinh chỉ được đưa lên vị trí cách quỹ đạo địa tĩnh khoảng 122 km.
FCC định nghĩa mảnh vụn không gian là các vật thể nhân tạo quay quanh trái đất và không phải là tàu vũ trụ đang hoạt động và xem đây là mối đe dọa ngày càng lớn. Theo FCC, việc vệ tinh cũ nằm ngày càng nhiều trên quỹ đạo khiến các vệ tinh sắp tới khó khởi đầu và hoàn thành sứ mệnh mới.
Hồi năm 2022, FCC ban hành quy định yêu cầu các nhà khai thác vệ tinh phải loại bỏ vệ tinh trong vòng 5 năm sau khi hoàn thành sứ mệnh. Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel nhấn mạnh: "Hàng ngàn tấn mảnh vụn không gian đang tồn tại và chúng sẽ ngày một tăng. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này, nếu không rác vũ trụ có thể hạn chế những cơ hội mới".
Bình luận (0)