Dự thảo mà phóng viên Reuters đọc được hôm 21-12 có nội dung cấm xuất khẩu gần 90% sản phẩm dầu mỏ tinh chế sang Triều Tiên bằng cách ấn định giới hạn 500.000 thùng/năm, đồng thời trục xuất người lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng.
Dự thảo cũng hạn chế cung cấp dầu thô cho Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng/năm. Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc hạn chế cung cấp dầu mỏ cho nước láng giềng, cũng là đồng minh của Bắc Kinh.
Ngoài ra, Mỹ nói trong dự thảo rằng Washington kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán 6 bên bị đình trệ hồi năm 2008, cấm xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm, máy móc, thiết bị điện, đất, đá, gỗ, tàu thuyền, các thiết bị công nghiệp, phương tiện vận chuyển và kim loại công nghiệp cho Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vỗ tay trong lễ vinh danh các nhà khoa học và kỹ sư hạt nhân tham gia vụ thử bom hydro tháng 9-2015. Ảnh: KCNA
Văn bản nghị quyết được Washington gửi tới Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên hôm 21-12. Chưa rõ Trung Quốc sẽ bỏ phiếu như thế nào nhưng theo truyền thống, một bản dự thảo về Triều Tiên sẽ không được gửi cho tất cả thành viên của Hội đồng Bảo an cho đến khi Bắc Kinh và Washington đồng ý.
Trong tuần qua, Mỹ đàm phán với Trung Quốc về dự thảo nghị quyết nói trên. Nếu được thông qua, đây sẽ là nghị quyết trừng phạt thứ 10 đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này kể từ năm 2006.
Nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có sự phản đối từ các thành viên thường trực Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc nếu muốn được thông qua. Hôm 21-12, Trung Quốc và Nga yêu cầu cho thêm thời gian để xem xét đề xuất liệt 10 tàu vận chuyển các mặt hàng cấm từ Triều Tiên vào "danh sách đen" của Mỹ.
Hồi cuối tháng trước, Mỹ cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ bị "tiêu diệt" nếu chiến tranh nổ ra sau khi Bình Nhưỡng bắn thử một quả ICBM tiên tiến nhất từ trước đến nay.
Trong bài phát biểu tại một phiên họp của đảng Lao động hôm 21-12, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh rằng không ai có thể phủ nhận sự tồn tại của Triều Tiên - đang nhanh chóng vươn lên như một quốc gia chiến lược có khả năng tạo ra mối đe dọa hạt nhân đáng kể đối với Mỹ.
Đầu tháng 12, Trưởng Bộ phận Quan hệ chính trị của LHQ Jeffrey Feltman đã tới thăm Bình Nhưỡng. Ông Feltman là quan chức cấp cao đầu tiên của LHQ thăm Triều Tiên kể từ năm 2011.
Bình luận (0)