Theo Bộ Quốc phòng Nga, tại mặt phía cực Tây của lãnh thổ nước này, các lính thủy đánh bộ thuộc Lữ đoàn Hạm đội biểnn Baltic đã bắn súng phóng lựu đạn chống tăng RPG-7 và súng phóng lựu tự động AGS-17 nhằm vào một đội quân vũ trang "bất hợp pháp" giả định tại trường huấn luyện Khmelevka ở Kaliningrad.
Bức ảnh do Quân đội Nga công bố hôm 15-12, trong đó đơn vị súng trường cơ giới hóa của Nga đang tập luyện các kỹ thuật trinh sát và đột kích tại Quân khu Tây.
Quân khu Kaliningrad của Nga – nơi được cho là sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc tập trận tương tự cho tới cuối tháng này, vốn giáp biên giới với nhiều thành viên của NATO và đang trở thành điểm nóng của các đợt leo thang gần đây gợi nhớ lại không khí thời Chiến tranh lạnh.
Cách đó hơn 7.000 km, các chiến đấu cơ Nga tập trận bắn trúng các nhóm binh lính và thiết bị quân sự giả định tại một khu huấn luyện đặc biệt ở Primorsky Krai, thuộc Quân khu Đông của Nga. Theo Bộ Quốc phòng nước này, cuộc tập trận này có sự tham gia của các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25SM, Su-25UB và các trực thăng Mil Mi-8AMTSh, Kamov Ka-50.
Primorsky Krai có biên giới với Trung Quốc và cũng là nơi tiếp giáp duy nhất giữa Nga và Triều Tiên.
Theo Newsweek, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thúc đẩy một sứ mệnh hiện đại hóa và mở rộng quân đội nước này, trong khi tìm cách củng cố vai trò ngoại giao của Moscow với vai trò một cường quốc đi đầu. Cuộc tập trận kép bắn đạn thật hôm 21-12 diễn ra ngay sau khi Nga chỉ trích Chiến lược an ninh mới của Tổng thống Donald Trump mang màu sắc "đế quốc".
Trong khi đó, người phát ngôn của ông Putin cũng lên tiếng phản đối gay gắt lệnh trừng phạt mới nhất của Washington đối với lãnh đạo Chechen Ramzan Kadyrov và 4 công dân Nga khác.
Nga đưa S-400 tới gần Triều Tiên
Theo tạp chí National Interest, Nga đang thay thế các tổ hợp phòng không S-300 ở khu vực Viễn Đông bằng hệ thống S-400 Triumf mới. Cụ thể, 4 tổ hợp S-400 đặt tại khu vực Vladivostok, Primorsky, Zelenogorsk, tỉnh Leningrad dự kiến vận hành từ ngày 22-12, theo Bộ Quốc phòng Nga.
Ngoài ý kiến cho rằng đây là kế hoạch thay thế khí tài cũ đã có từ lâu, các chuyên gia cũng suy đoán diễn biến này có thể liên quan đến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar, Moscow lo ngại bị tấn công bất ngờ trong trường hợp chiến tranh nổ ra giữa Bình Nhưỡng và Washington nên phải bố trí hệ thống phòng không mạnh để bảo vệ không phận phía tây và nam nước này.
Trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953), Liên Xô thường xuyên hứng chịu đạn lạc dù không chính thức tham chiến.
Bình luận (0)