Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Donald Trump không hề ngần ngại công khai ý định dỡ bỏ một trong những thành tựu an ninh quốc gia hàng đầu của chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama: Thỏa thuận hạt nhân với Iran, được biết đến là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Ông Donald Trump nhiều lần chỉ trích thỏa thuận này trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái. Luật pháp Mỹ yêu cầu tổng thống phải chứng thực với quốc hội mỗi 90 ngày về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hay không.
Sự thật là Iran vẫn đang tuân thủ thỏa thuận - điều được xác nhận nhiều lần bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), cộng đồng tình báo Mỹ và các đồng minh châu Âu thân thiết nhất của Mỹ.
Thế nhưng, ông Donald Trump vẫn cảm thấy khó chịu khi phải chứng thực thỏa thuận hạt nhân với Iran - từng bị ông mô tả là "tệ nhất từ trước đến nay" và "nỗi xấu hổ" - đang được thực thi.
Chính vì vậy, câu hỏi còn lại là ông Donald Trump sẽ lý giải cho hành động rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran như thế nào.
Trong một tuyên bố tại Nhà Trắng hôm 13-10, ông liệt kê một loạt hành động của Iran, như cuộc khủng hoảng con tin năm 1979, như là căn cứ cho việc phải ngăn chính quyền Tehran tiếp cận vũ khí hạt nhân.
Điều này lại cho thấy sự mâu thuẫn về logic vì đó chính xác là những gì thỏa thuận hạt nhân hướng đến. Để vượt qua thế khó này, ông Donald Trump đã đưa ra một tiêu chuẩn hoàn toàn chủ quan cho quyết định không chứng thực thỏa thuận: Những bước đi nhằm thực thi JCPOA của Iran không đủ bảo đảm cho việc ngưng trừng phạt.
Theo ông Donald Trump, chính quyền ông Barack Obama đã dỡ bỏ trừng phạt ngay trước khi "chế độ Iran hoàn toàn sụp đổ".
Trái với nhận định này, trừng phạt dù đủ sức đưa Tehran trở lại bàn đàm phán nhưng rõ ràng là không thể khiến chế độ này sụp đổ. Iran đã đầu tư niềm tự hào quốc gia và ước tính 100 tỉ USD vào chương trình hạt nhân của nước này.
Vì thế, Tehran sẽ không từ bỏ những khoản đầu tư này bất chấp các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế do chính quyền cựu Tổng thống Obama dày công thúc đẩy, khiến họ thiệt hại khoảng 150 tỉ USD.
Thực tế, vào thời điểm đàm phán thỏa thuận hạt nhân, Iran đang trên đường trở thành một quốc gia hạt nhân với khả năng sản xuất đủ lượng urani làm giàu cấp độ cao cho vũ khí chỉ trong vài tuần. Chính JCPOA đã kéo dài mốc thời gian này lên hơn một năm.
Tiếp đó, ông Donald Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân giúp Iran nhận hơn 100 tỉ USD và có thể sử dụng nó để tài trợ khủng bố. Thực ra, đây là tiền bán dầu của Iran - bị các nước trên thế giới đóng băng theo yêu cầu của Mỹ.
Ngoài ra, hầu hết khoản tiền này đang được dành cho những nhu cầu cấp thiết trong nước, trả nợ và hỗ trợ đồng nội tệ.
Đề cập nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận của Iran, ông Donald Trump còn khẳng định "chúng ta đã có các cuộc kiểm tra yếu kém để đổi lại không gì hơn ngoài sự trì hoãn ngắn hạn và tạm thời của Iran trên con đường tiến đến sở hữu bom hạt nhân". Tuy nhiên, theo thỏa thuận, IAEA có quyền tiếp cận cả những cơ sở quân sự của Iran.
Người dân Iran xem tin tức về bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tehran hôm 13-10 Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, một thực tế bị phớt lờ rằng trong khi những trở ngại nhất định đối với khả năng làm giàu urani của Iran sẽ không còn trong 10 hoặc 15 năm nữa thì theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nước này vẫn bị cấm vĩnh viễn sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc tiến hành những hoạt động liên quan đến loại vũ khí này.
Nếu Iran đi theo con đường như thế, tổng thống tương lai của nước này sẽ đối mặt với một cơ chế thanh sát nghiêm ngặt và một cộng đồng quốc tế đoàn kết. Mỹ sẽ không có cả hai điều này nếu từ bỏ thỏa thuận.
Sau khi Tổng thống Donald Trump từ chối chứng thực Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, quốc hội Mỹ có 60 ngày để quyết định có nên tái áp đặt trừng phạt Tehran hay không.
Ông Donald Trump kêu gọi quốc hội và các đồng minh của Mỹ tận dụng khoảng thời gian này giải quyết những thiếu sót nghiêm trọng của thỏa thuận. Nếu không, ông Donald Trump cho biết thỏa thuận sẽ bị chấm dứt.
Bằng cách nói đến việc "giải quyết" vấn đề này, ông Donald Trump có ý đề cập dự luật áp đặt những điều kiện mới lên Iran vượt quá phạm vi của thỏa thuận và kéo dài vô thời hạn những ràng buộc.
Động thái trên sẽ khiến Mỹ mới là bên vi phạm thỏa thuận và bị cô lập trên thế giới, chứ không phải Iran. Điều này cho phép Iran tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân hoặc thực hiện thỏa thuận vì lợi ích kinh tế, buộc Mỹ trừng phạt các đồng minh thân cận nhất vì giao dịch thương mại với Tehran.
Khi đó, ông Donald Trump sẽ gặp thêm khó khăn trong vận động người khác ủng hộ chiến lược rộng lớn hơn của mình nhằm đối đầu với Iran.
Mở rộng ra, động thái này sẽ làm giảm uy tín của Mỹ và khả năng đạt được những thỏa thuận giúp đất nước an toàn hơn trong tương lai.
Quốc hội Mỹ phải chống lại áp lực chính trị về việc đơn phương tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran dẫn đến nguy cơ khai tử nó.
Thay vào đó, quốc hội có thể đưa ra điều mà bài diễn văn ông Donald Trump không đề cập đến: Một chiến lược toàn diện thực sự để đương đầu với hành vi phi hạt nhân của Iran, trong đó có nỗ lực ngoại giao để chấm dứt những cuộc xung đột ở Yemen, Syria, Iraq mà Iran đang can dự; hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với các quốc gia vùng Vịnh và Israel; điều phối tốt hơn với các đồng minh của Mỹ; những biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran trong trường hợp không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Bước đi này mới thật sự đóng góp cho an ninh nước Mỹ.
Bình luận (0)