Khoản tiền trên được dùng để lập một hệ thống phòng thủ tên lửa 360 độ trên đảo Guam, một lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. "Đối mặt những mối đe dọa trong tương lai, chúng ta không chỉ phải chiến đấu từ đảo Guam mà còn phải chiến đấu để bảo vệ nó" - đề xuất khẳng định.
Khoản tiền trên là một phần của đề xuất trị giá 20 tỉ USD được ông Davidson gửi đến quốc hội Mỹ với mục đích là củng cố hoạt động hải quân, không quân và trên mặt đất, từ đó giúp Mỹ đối phó sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại khu vực.
Vị trí chiến lược của đảo Guam - gần Trung Quốc và biển Đông - khiến hòn đảo này đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực thể hiện sức mạnh quân sự và bảo vệ các lợi ích của Mỹ tai khu vực, như tự do hàng hải và thương mại. Tầm quan trọng chiến lược của Guam còn nằm ở khả năng giúp Mỹ duy trì an ninh ở khu vực và trông chừng các "mối đe dọa", như Triều Tiên.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời cảng Apra ở đảo Guam để hoạt động ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đầu tháng này. Ảnh: Hải quân Mỹ
Một máy bay tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Ảnh: Không quân Mỹ
Khoảng 1/3 diện tích đất trên đảo Guam được dành phục vụ các mục đích quân sự của Mỹ. Hòn đảo này còn là nơi trú đóng của nhiều máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và một hệ thống phòng thủ tên lửa. Không gì lạ khi đảo Guam thường được gọi là "tàu sân bay vĩnh viễn" của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xem khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là "ưu tiên hàng đầu" của chính quyền mình. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư quân sự tại khu vực này để đối đầu tốt hơn với Trung Quốc trong trận chiến tranh giành ảnh hưởng.
Giờ đây, vai trò của đảo Guam với Mỹ còn thêm quan trọng trong bối cảnh quan hệ Washington - Bắc Kinh đang xấu đi vì một loạt bất đồng.
Một máy bay tại Căn cứ không quân Andersen. Ảnh: Không quân Mỹ
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Andersen. Ảnh: Không quân Mỹ
Trước mắt, Washington đã cho tăng cường hiện diện quân sự tại Guam, triển khai máy bay ném bom B1 để tiến hành các sứ mệnh răn đe nhằn vào Bắc Kinh. Washington còn đẩy mạnh các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải bằng cách cử nhiều tàu hải quân hơn tuần tra biển Đông.
Mỹ xem những bước đi trên là cần thiết nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại khu vực, trong đó có âm mưu độc chiếm biển Đông.
Dù vậy, nỗi lo lúc này của Mỹ đến từ mối đe dọa từ năng lực quân sự của Trung Quốc như khả năng bắn laser nhằm vào một máy bay gần đảo Guam. Ngoài ra, tên lửa đạn đạo thế hệ mới của Bắc Kinh được xem là "sát thủ đảo Guam".
Đáng chú ý, Trung Quốc không chỉ có thể gia tăng ảnh hưởng ở khu vực thông qua kiểm soát quân sự mà còn thông qua đầu tư, như ký kết các thỏa thuận phát triển kinh tế tại đảo quốc Micronesia gần Guam.
Bình luận (0)