Ông chủ Điện Kremlin dự kiến đưa ra những yêu cầu này trong một cuộc điện đàm được lên kế hoạch với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Putin, Yuri Ushakov, ngày 3-12 nói với các phóng viên rằng hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ sẽ điện đàm "trong vài ngày tới". Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki mô tả đó chắc chắn sẽ là một cơ hội để thảo luận về mối quan tâm của Mỹ đối với tình hình ở biên giới Ukraine.
Ngày 2-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại thủ đô Stockholm - Thụy Điển để bàn về vấn đề Nga tập trung quân sự ở biên giới Ukraine. Sau cuộc gặp, ông Blinken cho biết Washington "lo ngại về khả năng Nga thực hiện hành động quân sự chống lại Ukraine" và cảnh báo Moscow về "hậu quả nghiêm trọng nếu quyết định đối đầu với Kiev".
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev khẳng định Nga "không lên kế hoạch tấn công Ukraine cũng như không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự cao trào nào gần biên giới Ukraine".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại thủ đô Stockholm - Thụy Điển ngày 2-12 Ảnh: REUTERS
Về phần mình, Tổng thống Biden ngày 3-12 xác nhận ông sẽ có một cuộc nói chuyện dài với người đồng cấp Putin về vấn đề Ukraine.
"Chúng tôi đã biết về hành động của Nga (liên quan tới Ukraine) trong một thời gian dài và kỳ vọng của tôi là sẽ có một cuộc thảo luận với ông Putin. Tôi không chấp nhận những lằn ranh đỏ của bất cứ ai" - nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu trước chuyến thăm Trại David ở bang Maryland.
Ông chủ Nhà Trắng còn tiết lộ đã chuẩn bị các chính sách mới để ngăn chặn bất kỳ kế hoạch "tấn công tiềm tàng nào của Nga" và tự tin rằng bộ sáng kiến toàn diện và ý nghĩa của mình sẽ khiến Nga rất khó để đạt được mục đích.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Lầu Năm Góc Tony Semelroth nói: "Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ xuống thang căng thẳng trong khu vực và giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine bằng con đường ngoại giao".
Trong khi Nga phàn nàn các nước phương Tây "phớt lờ tiếng nói của nước này" liên quan đến việc NATO mở rộng về phía các nước thuộc Liên Xô cũ, căng thẳng giữa Nga và phương Tây dâng cao sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và hỗ trợ phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. Cuộc xung đột ước tính đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng.
Bình luận (0)