Trả lời phỏng vấn độc quyền đài CNN tại căn cứ ở TP Naples – Ý hôm 15-4, ông Ferguson cho rằng hoạt động tập trung quân sự của Nga phản ánh một thế giới quan chiến lược đáng báo động. Naples là nơi đóng quân của hải quân Mỹ tại châu Âu cũng Hạm đội 6.
“NATO được xem là mối đe dọa hiện hữu với Nga. Vào thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, việc NATO mở rộng sự hiện diện về phía Đông châu Âu sát nách Nga cùng khả năng quân sự của chúng tôi bọ (Moscow) xem là một mối đe dọa rất cảm tính” – Đô đốc Ferguson nói.
Mỹ lo ngại động thái triển khai tàu ngầm mới của Nga có thể gây thêm khó khăn cho lực lượng hải quân nước này trong việc theo dõi và phát hiện. Các thế hệ tàu ngầm mới của Nga được đánh giá chạy êm hơn, vũ trang mạnh hơn, đồng thời có phạm vi hoạt động rộng hơn trước.
“Những tàu ngầm mà chúng tôi đang nhìn thấy có khả năng tàng hình nhiều hơn. Chúng tôi nhận ra rằng người Nga có hệ thống vũ khí tiên tiến hơn, hệ thống tên lửa có thể tấn công trên mặt đất ở khoảng cách xa và chúng tôi cũng nhìn thấy khả năng điều hành của họ được nâng cao đáng kể tại các vùng biển xa quê nhà” - ông Ferguson thừa nhận.
Đô đốc về hưu James Stavridis, một cựu chỉ huy của NATO, cũng nhận xét: "Chúng tôi không thể bao quát toàn bộ hoạt động của tàu ngầm Nga hiện nay", đồng thời cảnh báo tàu ngầm Nga có thể đặt ra mối đe dọa đối với nhóm tàu sân bay Mỹ.
Mỹ hiện có 53 tàu ngầm nhưng sẽ giảm xuống 41 chiếc vào cuối những năm 2020, một phần do vấn đề ngân sách và một số tàu ngầm buộc phải ngưng hoạt động.
Trong nhiều năm qua, Nga rót hàng tỉ USD ngân sách cho quân sự, mở rộng hoặc nâng cấp 12 căn cứ hải quân dọc vành đai Bắc Cực, trải dài từ Greenland – Iceland – Anh nhằm lấp khoảng trống ở Đại Tây Dương, qua đó áp sát Mỹ và NATO. Nga cũng triển khai 6 tàu ngầm ở biển Đen gần đây để bao quát khu vực Địa Trung Hải.
Để ứng phó các thế hệ tàu ngầm mới của Nga, Mỹ và các đồng minh NATO đang tiến hành tập trận chống tàu ngầm và triển khai các hệ thống vũ khí mới, bao gồm máy bay săn ngầm P8 Poseidon.
Bình luận (0)