Sau cuộc đàm phán bị mô tả là thất bại tại TP Geneva - Thụy Sĩ hôm 16-1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, bà Andrea Thompson, xác nhận Washington có ý định rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2-2, lấy lý do Nga vi phạm hiệp ước này.
Bà Thompson cho biết thêm Mỹ đã yêu cầu Nga minh bạch về chương trình phát triển hệ thống tên lửa 9M729 hơn 5 năm qua, đồng thời cho rằng đề nghị thanh sát từ phía Nga vẫn chưa đủ và Washington muốn Moscow phải phá hủy hệ thống này.
Cũng theo quan chức trên, Mỹ hiện không có kế hoạch tiếp tục đàm phán về INF trước thời hạn 2-2 do chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra. Tờ The Guardian (Anh) dẫn lời bà Thompson cho biết nếu Nga không sẵn sàng tuân thủ hiệp ước theo thời hạn trên, Mỹ sẽ đình chỉ nghĩa vụ của mình, đồng nghĩa Bộ Quốc phòng Mỹ có thể bắt đầu nghiên cứu và phát triển tên lửa có tầm bắn từ 500-5.500 km đang bị INF cấm.
Trong thời gian này, Mỹ sẽ chính thức thông báo tiến trình rút khỏi Hiệp ước INF, chính thức có hiệu lực vào ngày 2-8 tới. Sau khoảng thời gian đó, sẽ không có giới hạn nào về việc triển khai tên lửa tầm trung tại châu Âu hoặc Thái Bình Dương.
Hệ thống tên lửa 9M729 gây tranh cãi của Nga. Ảnh: REUTERS
Bác bỏ tuyên bố của Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Serge Ryabkov hôm 17-1 nói với đài Sputnik (Nga) rằng việc Mỹ ra tối hậu thư yêu cầu Nga phá hủy tên lửa 9M729 là không thể chấp nhận và Washington cũng không đưa ra được bằng chứng cụ thể về cáo buộc 9M729 vi phạm Hiệp ước INF.
Theo ông Ryabkov, cáo buộc trên của Mỹ không có mục đích gì khác ngoài che đậy ý đồ riêng. Song song đó, nhà ngoại giao này thúc giục Mỹ thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận để bảo đảm sự tồn tại của Hiệp ước INF. Nếu không sẵn sàng đối thoại với Nga, theo ông Ryabkov, Mỹ phải chịu trách nhiệm cho sự tan vỡ của Hiệp ước INF.
Diễn biến trên làm dấy lên nỗi lo về cuộc đua vũ trang mới trong trường hợp Hiệp ước INF bị khai tử. "Nếu hiệp ước này chấm dứt vào ngày 2-8 tới, sẽ không có gì ngăn Nga triển khai tên lửa hạt nhân đe dọa châu Âu. Chính quyền ông Trump cũng không do dự theo đuổi việc đưa các loại vũ khí bị INF cấm đến châu lục này" - ông Daryl Kimball, người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (trụ sở ở Mỹ), cảnh báo.
Một cuộc đua như thế sẽ càng thêm leo thang sau khi Tổng thống Trump trong ngày 17-1 công bố chiến lược phòng thủ tên lửa cải tiến. Theo chiến lược này, Mỹ có thể triển khai một hệ thống cảm biến trên không gian để phát hiện và theo dõi tên lửa của kẻ thù. Ngoài ra, văn kiện cũng khuyến khích nghiên cứu các công nghệ mang tính thử nghiệm, trong đó có triển khai vũ khí trên không gian có thể bắn hạ tên lửa đối phương.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ lâu nay được thiết kế chủ yếu để đối phó các cuộc tấn công từ những nước có kho vũ khí hạn chế, như Triều Tiên. Giờ đây, giới chức Lầu Năm Góc đánh giá các hệ thống này chưa đủ sức đương đầu với cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Mỹ từ một cường quốc hạt nhân lớn như Nga hoặc Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Washington còn lo ngại trước những bước tiến của Bắc Kinh về công nghệ siêu thanh, cho phép phát triển loại tên lửa khó phát hiện hơn nhiều. Giới chức Mỹ tin rằng hệ thống cảm biến trên không gian có thể giúp phát hiện tên lửa di chuyển ở tốc độ siêu thanh như thế. Tuy nhiên, Reuters nhận định Nga đang xem những bước tiến về phòng thủ tên lửa Mỹ là mối đe dọa và chiến lược mới nói trên có thể làm gia tăng căng thẳng với Moscow.
Bình luận (0)