Trong những ngày đầu chống IS, chính quyền Tổng thống Barack Obama đề cao tầm quan trọng của một liên minh Mỹ - Ả Rập (bao gồm Ả Rập Saudi, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Iraq, Jordan và Lebanon).
Tướng Lloyd Austin III – người giám sát các hoạt động của Mỹ và liên quân ở Iraq và Syria – vẫn thường xuyên ca ngợi những đóng góp của các nước Ả Rập trong nỗ lực chống khủng bố.
Tuy nhiên, khi Washington đang bước vào giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến - gửi lực lượng đặc nhiệm đến Syria và hàng chục máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ - các đồng minh lại dần rút lui, nhường lại phần lớn sân chơi cho lực lượng Mỹ.
Ả Rập Saudi, Jordan và UAE chuyển gần hết máy bay chiến đấu sang Yemen giúp chính phủ ở đây chống lại phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn, trong đó UAE kết thúc sứ mệnh tại Syria hồi tháng 3. Bahrain thực hiện cuộc tấn công cuối cùng ở Syria hồi tháng 2 năm nay. Qatar chủ yếu dùng máy bay tuần tra nhưng vai trò cũng rất hạn chế.
Dù đang tỏ ra mờ nhạt nhưng các nước Ả Rập vẫn khẳng định họ không rời bỏ cuộc chiến. Phát ngôn viên Đại sứ quán Jordan tại Washington cho biết: “Chúng tôi vẫn là đối tác tích cực đóng góp cho liên quân quốc tế và sẽ tiếp tục không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo”.
Trong khi đó, một số đồng minh khác của Mỹ như Pháp và Úc cũng dành gần như toàn bộ lực lượng không kích ở Iraq. Tân thủ tướng Canada Justin Trudeau trước khi tranh cử đã khẳng định sẽ kết thúc vai trò của Ottawa trong chiến dịch do Washington dẫn đầu và không nước nào trong số các đồng minh phương Tây của Mỹ tham gia cùng máy bay nước này ở căn cứ không quân Incirlik – Thổ Nhĩ Kỳ.
Anh cũng chưa thấy động tĩnh về việc gia nhập liên quân chống IS, một phần bởi quốc hội phản đối.
Bình luận (0)