Bản tin được đưa ra khi ông Sanders vươn lên vị trí đứng đầu trong số các ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ.
Thông tin trên được tiết lộ sau khi một viên chức an ninh bầu cử thuộc Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia nói với các nhà lập pháp Mỹ trong một cuộc họp mật rằng người Nga đang cố công để giúp Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.
Thượng nghị sĩ bang Vermont cũng giành được vị trí đứng đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở bang New Hampshire và ông được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc họp kín ở Nevada.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders vận động tranh cử ở Santa Ana, bang California hôm 21-2. Ảnh: REUTERS
Ngay sau khi báo The Washington Post đưa tin như trên, ông Sanders nói với các phóng viên rằng ông đã biết thông tin cho rằng người Nga hỗ trợ cuộc vận động tranh cử của mình khoảng một tháng trước. Đồng thời, ông nghi ngờ có mối liên kết nào đó giữa tin tức được đưa ra hôm 21-2 và cuộc họp kín ở Nevada hôm 22-2.
Cũng theo tờ báo trên, Tổng thống Trump và các nhà lập pháp Mỹ tại quốc hội cũng được thông báo về chiến dịch của người Nga nhằm giúp ông Sanders giành được đề cử của Đảng Dân chủ. Thế nhưng, kiểu cách và quy mô can thiệp của Điện Kremlin vẫn chưa rõ ràng.
"Thú thực, tôi không quan tâm chuyện ông Putin muốn ai trở thành tổng thống. Thông điệp của tôi với ông Putin rất rõ ràng: Tránh xa các cuộc bầu cử ở Mỹ và nếu trở thành tổng thống, tôi sẽ bảo đảm điều này" - ông Sanders nói với tờ báo trên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Osaka - Nhật Bản năm 2019. Ảnh: AP
Sau khi được thông báo về hoạt động của Nga để giúp đỡ cuộc vận động tranh cử của ông, ông Sanders cũng cho rằng chính phủ Nga có thể phải chịu trách nhiệm cho "một số nội dung xấu trên internet được quy cho cuộc vận động của chúng tôi".
Vị thượng nghị sĩ Mỹ tuyên bố: "Chúng ta hãy chắc chắn rằng người Nga muốn làm suy yếu nền dân chủ Mỹ bằng cách chia rẽ chúng ta và, không giống như tổng thống đương nhiệm, tôi kiên quyết chống lại nỗ lực của họ và bất kỳ thế lực nước ngoài nào khác muốn can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta".
Trong khi đó, ông Graham Brookie, giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu pháp y kỹ thuật số tại Hội đồng Đại Tây Dương, đã lên tiếng chỉ trích ông Sanders vì cho rằng người Nga đóng vai trò trong hành vi trực tuyến của những người ủng hộ cuộc vận động tranh cử của ông.
Tờ Business Insider nhận định: Mặc dù xác nhận với ông Sanders rằng người Nga đang hoạt động để giúp ông giành được đề cử của Đảng Dân chủ, giới chức tình báo Mỹ phát hiện rằng về tổng thể, chính phủ Nga vẫn thích ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Tổng thống Donald Trump vận động tranh cử ở Las Vegas, bang Nevada hôm 21-2. Ảnh: REUTERS
Đáng nói là, điều đó đã chọc giận Tổng thống Trump. Ông cho rằng việc thừa nhận sự can thiệp bầu cử của người Nga sẽ làm suy yếu sức mạnh của chiến thắng năm 2016 và chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông.
Sau khi xuất hiện thông tin giới chức tình báo Mỹ cảnh báo quốc hội về mối đe dọa bầu cử, Điện Kremlin đã phủ nhận Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 nhằm tăng cơ hội tái đắc cử của ông Trump.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump có một chiến thuật khác để phản ứng trước thông tin Ủy ban Tình báo Hạ viện hồi đầu tháng này đã được các chuyên gia tình báo Mỹ thông báo rằng Nga đang cố gắng bảo đảm cho ông tái đắc cử.
Hôm 21-2, ông đã tìm cách giảm thiểu những cảnh báo mới của các chuyên gia tình báo chính phủ và lại bày tỏ bất bình khi tuyên bố vấn đề là Đảng Dân chủ đang cố làm suy yếu tính hợp pháp chức vụ tổng thống của ông.
Trên Twitter, Tổng thống Trump tuyên bố rằng Đảng Dân chủ đang thúc đẩy "một chiến dịch thông tin sai lệch" với hy vọng gây tổn hại cho ông về mặt chính trị.
Sau đó, tại một cuộc vận động tranh cử ở Las Vegas, ông cho rằng Nga thực sự có thể thích ông Sanders trong Nhà Trắng hơn.
Bình luận (0)