Trong cuộc diễn tập 8 ngày này (từ ngày 10 đến 17-6), Nhật Bản sẽ sử dụng máy bay trinh sát cỡ lớn và có khả năng vận tải Hyuga, máy bay đổ bộ cứu nạn US2 - vốn đang đàm phán để xuất khẩu sang Ấn Độ. Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, có căn cứ tại Yokosuka - Nhật Bản, sẽ tham gia tập trận.
Tàu hộ tống Kurama trong cuộc diễn tập hải quân tại vịnh Sagami hồi tháng 10-2015 Ảnh: REUTERS
Trong bối cảnh Trung Quốc yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông, Tokyo và Washington lo lắng Bắc Kinh sẽ có những hành động mở rộng ra khu vực Tây Thái Bình Dương. Về phía Trung Quốc, nước này hôm 7-6 lại lên tiếng kêu gọi Washington đóng vai trò xây dựng trong bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông.
Malabar là cuộc tập trận hải quân thường niên giữa Ấn Độ và Mỹ, với các nội dung tác chiến chống tàu ngầm, phòng không cũng như các nhiệm vụ khác. Trước đó, Nhật Bản đã một lần duy nhất tham gia cuộc tập trận này vào năm 2007 nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Kể từ đó, tập trận Malabar chỉ là diễn tập hải quân song phương giữa Ấn Độ và Mỹ.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đồng thuận rằng Tokyo sẽ tham gia diễn tập thường xuyên.
Sau khi trở về từ Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee hôm 7-6 tiếp tục kêu gọi Trung Quốc giải thích về chương trình xây dựng đảo ở biển Đông.
Ông Brownlee cho biết tốc độ bồi đắp đảo của Trung Quốc khiến nhiều nước kinh ngạc. Ông nói: “Thế giới chưa từng đối phó vấn đề này. Việc tôn tạo các đảo hiện có ở biển là điều dễ hiểu song tạo ra một không gian mới trên một vùng biển để rồi từ đó biến thành lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế... là điều hoàn toàn mới”.
Trong diễn biến có liên quan, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được khuyên không nên đàm phán song phương vô điều kiện với Trung Quốc để giải quyết vấn đề biển Đông.
Lời khuyên này do cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và chuyên gia an ninh Ernest Bower, người đứng đầu chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), đưa ra ngày 7-6.
Theo ông Albert del Rosario, Manila nên chờ đợi phán quyết cuối cùng từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan trước khi đàm phán với Trung Quốc, nếu không các thẩm phán sẽ phải suy nghĩ lại về những gì mà Manila đang làm.
Trong khi đó, phát biểu trước các binh sĩ và các nhà ngoại giao tại một căn cứ quân sự ở Manila, ông Bower nhấn mạnh: “Nếu Philippines tìm được giải pháp cùng Trung Quốc tiến về phía trước, bao gồm việc Trung Quốc cam kết từ bỏ "đường lưỡi bò", đồng thời cam kết về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) có tính ràng buộc về pháp lý ở biển Đông, thì lúc đó mới nên đi xa hơn”.
Bởi lẽ ông Bower cho rằng nếu không có những điều kiện đó, Philippines có thể đánh mất sự tôn trọng từ các đối tác ASEAN cũng như cả đồng minh Mỹ.
Bình luận (0)