Ngay khi đến Nhật Bản hôm 5-11, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 5 nước châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những lời lẽ cứng rắn nhắm vào Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân Akie chuẩn bị dùng bữa tối tại nhà hàng ở Tokyo - Nhật Bản hôm 5-11Ảnh: REUTERS
Phát biểu trước hàng trăm quân nhân Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại căn cứ không quân Yokota, ngoại ô thủ đô Tokyo, ông Donald Trump tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẵn sàng bảo vệ tự do, cũng như cảnh báo các quốc gia khác không nên đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ - một thông điệp mạnh mẽ được cho là gửi đến Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ bảo đảm quân đội sẽ nhận được thêm nhiều trang thiết bị quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, bảo vệ tự do. Ông khẳng định liên minh Mỹ - Nhật là khối đá đặt nền tảng cho an ninh khu vực trong suốt 60 năm qua.
Báo Japan Times nhận định trong bối cảnh căng thẳng dâng cao liên quan đến các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Tổng thống Donald Trump sẽ tìm cách thiết lập mặt trận thống nhất với Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến thăm ngày 7-11 - để đối phó với Triều Tiên thông qua cuộc hội đàm với lãnh đạo 2 quốc gia đồng minh này. Riêng Thủ tướng Abe lâu nay vẫn kiên trì ủng hộ lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ đối với Triều Tiên - điều được ông chủ Nhà Trắng hoan nghênh trong bài phát biểu của mình khi gọi Nhật Bản là "đối tác quý báu và đồng minh quan trọng của Mỹ".
Trong khi đó, Thủ tướng Abe nhận định chuyến thăm của ông Donald Trump là cơ hội để tăng cường hợp tác song phương, được xây dựng dựa trên "tình bạn và sự tin tưởng" giữa 2 nhà lãnh đạo này. Mối quan hệ gần gũi như thế đã được nêu bật bởi bữa ăn trưa và trận đấu golf hôm 5-11, diễn ra sau bài phát biểu nói trên của ông Donald Trump.
Sang ngày 6-11, Tổng thống Donald Trump, cùng với đệ nhất phu nhân Melania, sẽ tiếp kiến Nhật hoàng và hoàng hậu. Tiếp đó, ông hội đàm chính thức với Thủ tướng Abe và gặp gỡ thân nhân của các công dân Nhật Bản đã bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc trong thời gian chiến tranh lạnh.
Tình hình Triều Tiên chắc chắn đứng đầu nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật. Điều này được chính ông Donald Trump xác nhận với các phóng viên tháp tùng trên đường từ Hawaii đến Nhật Bản: "Chúng tôi mong giải quyết xong cuộc khủng hoảng này. Nó là vấn đề lớn của đất nước chúng tôi và thế giới". Thêm vào đó, ông hé lộ sẽ sớm đưa ra quyết định có thêm Triều Tiên vào danh sách các quốc gia bị cáo buộc tài trợ cho khủng bố hay không. "Hy vọng chúng tôi sẽ có thể thảo luận triệt để về các vấn đề quốc tế, trong đó có Triều Tiên" - Tổng thống Donald Trump bày tỏ.
Nếu bước đi như thế của ông chủ Nhà Trắng diễn ra sẽ khiến tình hình bán đảo Triều Tiên thêm nóng giữa lúc Lầu Năm Góc nói đến kịch bản đưa lực lượng đặc nhiệm vào Bình Nhưỡng để định vị và kiểm soát toàn bộ địa điểm vũ khí hạt nhân của nước này. Trong lá thư gửi các nghị sĩ Mỹ do chuẩn đô đốc Michael Dumont chắp bút, Lầu Năm Góc cũng cảnh báo Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí sinh học và hóa học trong trường hợp xung đột xảy ra - theo tiết lộ của báo The Washington hôm 5-11.
Bình luận (0)