"Thành tích" này cũng phần nào nêu bật một nhiệm kỳ được xem là gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ. Một số người xem ông Trump là người cứu rỗi một nền dân chủ đang sa sút nhưng cũng có nhiều người xem ông là mối đe dọa hiện hữu đối với chính nền dân chủ đó.
Dấu ấn ông Trump để lại sau 4 năm cầm quyền là không nhỏ dù các nhà sử học phải cần thêm nhiều thời gian để đánh giá khách quan và toàn diện về nhiệm kỳ trên.
Di sản dễ thấy nhất, dù chưa trọn vẹn, chính là hơn 600 km của bức tường tại biên giới Mỹ - Mexico, ít hơn con số 1.610 km mà ông Trump cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Những gì chiến lược quốc phòng của ông Trump mang lại trong 4 năm qua cũng đáng chú ý, như tránh các cuộc chiến tranh mới, chuyển trọng tâm của chuẩn bị quân sự từ chống khủng bố sang đối phó với các đối thủ lớn, đẩy mạnh đòi hỏi đồng minh chia sẻ gánh nặng về chi phí quốc phòng, hồi sinh năng lực răn đe hạt nhân, tăng cường đầu tư cho đổi mới sáng tạo về quân sự, thành lập lực lượng không gian, hợp nhất chuyện mua bán vũ khí của Lầu Năm Góc với các khía cạnh khác của chính sách kinh tế quốc gia...
Đám đông ủng hộ ông Donald Trump tuần hành tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản hôm 20-1 Ảnh: REUTERS
Một di sản ấn tượng khác là tái định hình ngành tư pháp khi bổ nhiệm hơn 200 thẩm phán vào các tòa án liên bang và đề cử 3 thẩm phán Tòa án Tối cao (đều được phê chuẩn). Dù ông Trump không còn ở Nhà Trắng, nhiệm kỳ tổng thống của ông vẫn sẽ tiếp tục tác động đến hướng đi của nước Mỹ do số lượng thẩm phán liên bang bảo thủ được ông lựa chọn.
Dù vậy, "gây tranh cãi" mới là dấu ấn nổi bật hàng đầu trong nhiều phát ngôn, hành động, chính sách của ông Trump. Gần đây nhất chính là việc ông công khai phản đối kết quả bầu cử và thường xuyên cáo buộc chiến thắng của mình "bị đánh cắp" dù không trưng ra bằng chứng cụ thể nào.
Một số chuyên gia nhận định vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội ngày 6-1 là đỉnh điểm của chuyện ông Trump tích cực thúc đẩy "thông tin sai sự thật" trong 4 năm qua. Một điểm trừ nữa là chuyện xử lý kém cuộc khủng hoảng Covid-19 ngay từ đầu, phủ bóng lên các thành tựu kinh tế đạt được trong 3 năm đầu nhiệm kỳ.
Về mặt đối ngoại, không ít người phàn nàn chuyện nước Mỹ thời ông Trump từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu và theo đuổi nhiều chính sách hướng nội. Điều này thể hiện rõ qua động thái công kích của ông nhằm vào một số tổ chức đa phương và quyết định rút Mỹ khỏi một số hiệp định, thỏa thuận đa phương (Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran...).
Cuối cùng, không thể không nhắc đến quan hệ Mỹ - Trung lao dốc không phanh thời ông Trump. Ngoài những phát biểu, lập trường, biện pháp cứng rắn về nhiều vấn đề, ông Trump còn phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào Bắc Kinh nhưng nỗ lực này nhìn chung chưa đạt được các mục tiêu đề ra.
Bình luận (0)