Có thể kể ra là: thị trường chứng khoán gần đạt mức cao nhất mọi thời đại, thâm hụt ngân sách, đồng USD suy yếu, bất ổn kinh tế gia tăng và sức chiến đấu trong cuộc khủng hoảng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm sút đáng kể.
Hãng tin Reuters đã tóm tắt những thành quả và hậu quả mà Tổng thống Trump để lại cho ông Biden, gọi chúng là "những món quà".
Đầu tiên là thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 68% kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào năm 2017. Kể từ cuối tháng 3 năm ngoái, chỉ số này tăng 73% do được kích thích bởi chính sách tài chính và tiền tệ cùng với kỳ vọng vắc-xin phòng chống đại dịch Covid-19 ra đời sẽ thúc đẩy nền kinh tế mở cửa trở lại.
Một nguyên nhân khác là lợi tức trái phiếu kho bạc cực thấp - giảm sau khi FED cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 - cũng làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu. Reuters thống kê chỉ số S&P 500 thường tăng trong 100 ngày đầu tiên của 8/10 nhiệm kỳ tổng thống gần đây. Tuy nhiên, ông Biden có thể gặp khó vì cần phải nhanh chóng kích thích nền kinh tế trong bối cảnh gói viện trợ 1.900 tỉ USD được đề xuất vẫn chưa chắc chắn.
Nợ công của Mỹ dưới thời ông Trump tăng đến 28.000 tỉ USD dù ông hứa sẽ kéo giảm nó so với thời của ông Obama Ảnh: PROPUBLICA
Thứ hai, nợ quốc gia của Mỹ tăng gần 40% dưới thời Tổng thống Trump lên gần 28.000 tỉ USD, một phần do chính sách cắt giảm thuế vào năm 2017 và một loạt chi tiêu để chống lại tác động kinh tế của Covid-19 hồi năm ngoái. Đáng chú ý, nợ quốc gia của Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng dưới thời ông Biden.
Thứ ba, đồng USD giảm 12% so với mức cao nhất hồi năm ngoái. Theo Reuters, đồng USD yếu hơn hỗ trợ các nhà xuất khẩu bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mỹ ở nước ngoài, đồng thời làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu Mỹ vì có giá cả phải chăng hơn đối với người mua nước ngoài.
Thứ tư, đại dịch Covid-19 khiến bất ổn kinh tế gia tăng trong năm cuối cùng Tổng thống Trump tại nhiệm. Nền kinh tế không chắc chắn liên quan đến chính sách - được trang web policyuncerturance.com ghi nhận - hiện cao hơn so với thời điểm sau vụ khủng bố 11-9-2001 hay cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cuối cùng, ông Biden sẽ tiếp nhận bảng cân đối kế toán của FED lớn hơn bao giờ hết do việc tăng chi tiêu sau đại dịch. Bảng cân đối kế toán này là báo cáo tài chính phản ánh tài sản và nợ phải trả của FED. Một cuộc thăm dò của Reuters tháng 12-2020 cho thấy bảng cân đối kế toán của FED dự kiến tăng lên 9.100 tỉ USD vào cuối năm 2021.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trước thềm lễ nhậm chức của ông Biden hôm 20-1. Động thái này diễn ra sau khi nhiều người hy vọng kế hoạch kích thích nền kinh tế Mỹ của ông Biden và vắc-xin kiềm chế Covid-19 sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán khu vực.
Bình luận (0)