xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ "nổ súng" tiếp về thương mại, Trung Quốc "sốc"

HOÀNG PHƯƠNG

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ bị sốc trước động thái "hoàn toàn không thể chấp nhận được" của Mỹ và sẽ khiếu nại lên WTO

Giới chức Trung Quốc hôm 11-7 cảnh báo những biện pháp thuế quan "ăn miếng trả miếng" sẽ hủy hoại quan hệ thương mại giữa hai nền kinh thế hàng đầu thế giới sau khi Mỹ "bắn phát súng" tiếp theo trong cuộc chiến đang ngày một leo thang này.

"Không có nhiều đạn"

Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh ở Bắc Kinh, ông Li Chenggang, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, cáo buộc chính sách của Mỹ cản trở tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và làm tổn hại trật tự kinh tế thế giới. Cảnh báo này được đưa ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10-7 thông báo khởi động tiến trình đánh thuế 10% lên khoảng 200 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, sớm nhất là vào tháng 9. 

Trước đó, hôm 6-7, Mỹ chính thức áp đặt mức thuế 25% lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc dẫn đến biện pháp trả đũa tương tự của Bắc Kinh. Hai bên còn dự định đánh thuế lên thêm 16 tỉ USD hàng hóa của nhau.

Lần này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ bị sốc trước động thái "hoàn toàn không thể chấp nhận được" của Mỹ và sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). "Hành vi của Mỹ đang làm hại Trung Quốc, thế giới và chính mình" - tuyên bố của bộ này nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo những bước đáp trả cần thiết dù không cho biết chi tiết.

Dù vậy, theo Reuters, con số 200 tỉ USD cao hơn nhiều giá trị hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc (năm ngoái là 130 tỉ USD) nên Bắc Kinh sẽ phải tìm thêm những biện pháp đáp trả khác - được nói đến nhiều là giảm giá trị đồng nhân dân tệ để tăng sức cạnh tranh, bán trái phiếu chính phủ Mỹ hoặc thúc giục người dân tẩy chay sản phẩm Mỹ. 

Ngoài ra, doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc đang lo nguy cơ bị chính quyền địa phương gây khó dễ, như tăng cường kiểm tra an toàn hàng hóa, điều tra tài chính, trì hoãn phê chuẩn thỏa thuận đầu tư... Dù vậy, ông Louis Kuijs, chuyên gia tại Công ty Nghiên cứu kinh tế Oxford Economics (Anh), cho rằng Trung Quốc có thể chưa phản ứng nhiều lúc này, một phần vì "không có nhiều đạn" và một phần vì Mỹ sẽ còn phải tham vấn người dân trong 2 tháng về danh sách 6.000 mặt hàng Trung Quốc được đề xuất đánh thuế trước khi danh sách cuối cùng được hoàn thành.

Mỹ nổ súng tiếp về thương mại, Trung Quốc sốc - Ảnh 1.

Nông dân trồng đậu nành tại Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Lựa chọn đúng duy nhất

Trước mắt, doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm kiếm đối tác từ những nước khác để giảm phụ thuộc vào hàng hóa Mỹ. Chẳng hạn, ông Yu Xubo, Chủ tịch Công ty Kinh doanh ngũ cốc COFCO, nói với tờ Nhân dân Nhật báo rằng Trung Quốc có thể tăng cường nhập khẩu đậu nành từ những nước Nam Mỹ - bước đi có thể khiến nông dân Mỹ bất an. Đậu nành là nông sản Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc có giá trị cao nhất - đạt 12,3 tỉ USD năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Giới phân tích cảnh báo sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể làm tổn hại đến kinh tế toàn cầu. Đây là điều được ông Li nhắc lại tại diễn đàn nói trên: "Tác động tiêu cực của xung đột thương mại đã xuất hiện. Các công ty tại cả hai nước chắc chắn gánh chịu thiệt hại. Không có người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại. Sự hợp tác là lựa chọn đúng duy nhất giữa Trung Quốc và Mỹ".

Khả năng hai bên chịu hợp tác sẽ càng thêm khó nếu Mỹ quyết theo đuổi gói thuế quan mới nhất nói trên. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phàn nàn rằng Washington đã kiên nhẫn đợi Bắc Kinh "chấm dứt những tập quán không công bằng và mở cửa thị trường" trong hơn 1 năm nhưng thay vì giải quyết những lo ngại "chính đáng" này, Trung Quốc đã bắt đầu trả đũa hàng hóa Mỹ. Trong trường hợp xấu hơn, ông chủ Nhà Trắng có thể hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế lên hơn 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc - gần bằng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ năm ngoái.

Với việc đe dọa leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chính quyền ông Trump cũng đối mặt làn sóng chỉ trích mới từ một số nhóm kinh doanh và nghị sĩ trong nước. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch gọi thông báo mới nói trên là "khinh suất". 

Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo việc áp thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa không có lợi cho người tiêu dùng và người lao động Mỹ. Không dừng lại ở đó, giới đầu tư lo ngại cuộc chiến này có thể khiến bầu không khí u ám bao trùm các thị trường tài chính, chứng khoán và cản trở tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Chỉ số chứng khoán MSCI của châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) đã giảm khoảng 1% hôm 11-7. 

Thâm hụt thương mại lập kỷ lục

Mức thâm hụt thương mại Mỹ - Trung khổng lồ lâu nay luôn là cái gai trong mắt ông Trump, người không ít lần kêu gọi Bắc Kinh tìm biện pháp giải quyết nhưng không thành. Vì thế, số liệu mới nhất có thể khiến ông chủ Nhà Trắng thêm đau đầu. Theo Cục Thống kê Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay là 152,2 tỉ USD, phá kỷ lục của 5 tháng đầu năm 2015 (148,5 tỉ USD).

Tháng gần đây nhất, Mỹ chứng kiến thặng dư thương mại với Trung Quốc là tháng 4-1986 (54 triệu USD). Trong 385 tháng liên tục sau đó, cán cân này bị đảo chiều. Riêng trong năm 2017, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung lên đến 375 tỉ USD. Tuy nhiên, số liệu của Trung Quốc cho thấy thặng dư thương mại của nước này với Mỹ năm ngoái là 276 tỉ USD. Nhà Trắng gần đây cho biết đang ép Trung Quốc giảm 100 tỉ USD trong thặng dư thương mại với Mỹ nhưng những số liệu mới nhất cho thấy đây có lẽ là nhiệm vụ đầy thách thức.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo