Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm 13-5 đã gây sức ép buộc chính phủ phản ứng mạnh mẽ hơn trước mối lo ngại Trung Quốc xây đảo nhân tạo để giành quyền kiểm soát quân sự ở biển Đông. Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Các lực lượng Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, vào tháng rồi cảnh báo Trung Quốc có thể triển khai radar và tên lửa đến các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý.
Mỹ “đang trả giá”
Thượng nghị sĩ Bob Corker của Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, phàn nàn rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama đang thiếu một chính sách chặt chẽ để đối phó thách thức nêu trên.
“Tôi chưa thấy Trung Quốc trả giá gì cho những hành động ở biển Đông và Hoa Đông. Thực tế là chúng ta đang trả giá. Chúng ta chứng kiến bạn bè mình thường xuyên lo ngại về việc chúng ta ở đâu và cam kết bao nhiêu” - ông Corker phát biểu tại cuộc điều trần của các quan chức hàng đầu phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo AP, Thượng nghị sĩ Ben Cardin của Đảng Dân chủ cũng chỉ trích Washington dường như chỉ phản ứng với sự khiêu khích của Bắc Kinh theo kiểu “công bố thông cáo báo chí”.
Tại cuộc điều trần, ông David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương, không bình luận về thông tin Lầu Năm Góc đang cân nhắc đưa tàu và máy bay đến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo, bãi đá, bãi cạn mà Trung Quốc hiện xây dựng, cải tạo trái phép ở biển Đông. Thay vào đó, quan chức này khẳng định Washington “sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do đi lại trên không và trên biển” tại biển Đông nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Ông Shear cũng trấn an các thượng nghị sĩ rằng Mỹ sẽ tiếp tục “duy trì ưu thế quân sự trong khu vực” bằng việc triển khai máy bay tiêm kích F-35, máy bay vận tải V-22 Osprey, đồng thời đưa thêm 4 tàu chiến mới tới Singapore vào năm 2020 và 1 tàu ngầm tới đảo Guam.
Nhật chuyển động
Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định Ngoại trưởng John Kerry sẽ nêu bật cam kết của Washington trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông khi ông thăm Bắc Kinh cuối tuần này.
Mặt khác, nhà ngoại giao này khẳng định Trung Quốc không thể “tự xây dựng chủ quyền” cho dù đổ bao nhiêu cát lên các bãi đá ngầm, đồng thời duy trì quan điểm rằng những hành động khiêu khích như thế đang làm tổn thương vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế. “Nếu chiến lược của Trung Quốc là cho chúng ta ra rìa thì nó đã phản tác dụng” - ông Russel khẳng định.
Dĩ nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục giọng điệu đe dọa bất kỳ ai tìm cách cản trở ý đồ độc chiếm biển Đông của nước này. Thời báo Hoàn cầu hôm 14-5 cảnh báo Mỹ sẽ gây ra một cuộc đối đầu nếu triển khai lực lượng quân sự đến biển Đông. “Nếu Washington có bước đi nguy hiểm này, đây sẽ là hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc và Mỹ có thể đối mặt các biện pháp trả đũa tiềm tàng” - tờ báo viết.
Ông Ian Storey, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á ở Singapore, cũng nhận định với hãng tin Bloomberg rằng bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm phản bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đều gia tăng nguy cơ đối đầu trên biển và trên không giữa quân đội 2 nước.
Tham vọng bá quyền của Trung Quốc cũng bị Nhật Bản để mắt tới khi nội các nước này hôm 14-5 thông qua 2 dự luật dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về chính sách an ninh, như cho phép quân đội chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.
Theo Reuters, những thay đổi này, nếu được quốc hội phê chuẩn, sẽ mở đường để Tokyo đóng vai trò lớn hơn trong liên minh với Washington khi cả 2 nước đối mặt với những thách thức an ninh, trong đó nổi bật là những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Sẵn sàng ứng phó Hải Dương 981
Tại buổi họp báo chiều 14-5, trả lời về việc Việt Nam mở rộng và xây dựng các cấu trúc trên 2 đảo Đá Tây, Sơn Ca, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các hoạt động cải thiện cơ sở vật chất đã cũ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu là hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như không làm thay đổi nguyên trạng, tổn hại môi trường và phức tạp hóa tình hình.
Bình luận về việc Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch điều tàu đến biển Đông, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông là lợi ích, nguyện vọng chung của các nước trong và ngoài khu vực.
Đối với phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về vấn đề biển Đông hôm 13-5, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở biển Đông, đặc biệt là ủng hộ vai trò của ASEAN, tuân thủ DOC và những nỗ lực nhằm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC)”.
Về việc Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương 981 của nước này hoạt động ở biển Đông đến ngày 16-5, ông Lê Hải Bình dẫn lời đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - nhấn mạnh lực lượng này đang theo dõi và chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó.
D.Ngọc
Bình luận (0)