Thông tin trên được Reuters dẫn nguồn 2 quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 18-5 (giờ địa phương).
Các quan chức này cho biết nhân viên kế toán của Lầu Năm Góc đã tính sai giá trị của các loại đạn dược, tên lửa và một số loại thiết bị quân sự khác mà Washington đã viện trợ cho Kiev trong thời gian qua, dẫn tới giá trị của chúng bị đẩy lên cao hơn tới 3 tỉ USD.
Nguồn tin cho rằng Lầu Năm Góc đã sử dụng chi phí thay thế hiện tại cho các vũ khí lấy từ kho của mình, thay vì tính vào giá mua ban đầu và khấu hao. Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đang thực hiện các bước để thông báo cho Quốc hội về "việc điều chỉnh kế toán".
Việc điều chỉnh định giá có thể giúp chính quyền Tổng thống Joe Biden thêm dư địa viện trợ Ukraine, trong bối cảnh Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đang bế tắc về nâng trần nợ công.
Pháo phản lực HIMARS Mỹ khai hỏa trên boong tàu đổ bộ USS Anchorage trong diễn tập tại Thái Bình Dương năm 2017. Ảnh: US Navy
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Cộng hòa cấp cao nhất tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ Roger Wicker cho rằng Lầu Năm Góc điều chỉnh định giá vũ khí gửi cho Ukraine là "một sai lầm lớn". Ông cảnh báo động thái có thể khiến những nhu cầu trong tương lai của các nước đồng minh bị định giá thấp.
"Ưu tiên của chúng tôi là giúp Ukraine giành chiến thắng trong xung đột với Nga. Đơn phương thay đổi các tính toán viện trợ quân sự là một nỗ lực lừa dối và làm suy yếu mục tiêu này" - thượng nghị sĩ từ bang Mississippi nhấn mạnh.
Kể từ tháng 8 năm 2021, Mỹ đã gửi các lô vũ khí trị giá khoảng 21,1 tỉ USD cho Ukraine từ kho dự trữ của nước này.
Mỹ đã gửi nhiều loại thiết bị quân sự tới Ukraine trong 37 gói khác nhau, bao gồm hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), vũ khí chống tăng Javelin và hệ thống tên lửa đất đối không Patriot.
Reuters cho hay "nhầm lẫn kế toán" diễn ra trong bối cảnh hôm 31-3, Lầu Năm Góc đã gửi một bản ghi nhớ tới cả 4 lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến, nêu rõ cách tính giá trị của các loại vũ khí.
Các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết sẽ "rất mất thời gian" để tính toán các thiết bị quân sự trị giá hàng tỉ USD được gửi tới Ukraine.
Một quan chức lấy ví dụ về đạn pháo 155 mm pháo Howitzer, trong đó hơn 1,5 triệu đạn này đã được gửi đến Ukraine. Mặc dù mỗi quả đạn hiện có giá khoảng 800 USD nhưng chi phí trung bình trong vài thập kỷ sẽ thấp hơn nhiều.
RT cho biết Ukraine nhiều lần nói rằng thành công của họ trên chiến trường phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ từ phương Tây. Theo ước tính của quân đội Nga, phía Mỹ và các đồng minh đã giao vũ khí và vật tư trị giá hơn 100 tỉ USD cho Ukraine tính đến tháng 1-2022.
Nga cảnh báo Mỹ điều này làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp. Tuy nhiên, Washington và NATO khẳng định việc trang bị vũ khí cho Kiev không thực sự khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột.
Bình luận (0)