Trong số các thông tin này có đoạn video về vụ "đốt lá phiếu" mà con trai cựu Tổng thống Donald Trump, ông Eric Trump, từng chia sẻ. Đoạn clip quay cảnh 1 người đàn ông vừa tự quay phim vừa đốt các lá phiếu bầu cho ông Trump trên biển Virginia. Các lá phiếu này không phải là phiếu bầu thật. Đoạn video được chia sẻ rộng rãi sau khi ông Eric đăng nó lên Twitter cá nhân và nhận được 1,2 triệu lượt xem.
Clip được cho là bắt nguồn từ 1 tài khoản có liên quan đến thuyết âm mưu QAnon. Tuy nhiên, nghiên cứu của Trường ĐH Cardiff phát hiện ra 2 tài khoản Trung Quốc đã chia sẻ video này từ trước. Sau đó, Twitter đã đình chỉ 1 trong 2 tài khoản.
Mạng lưới Trung Quốc nói trên cũng kêu gọi bạo lực trước khi người biểu tình tấn công điện Capitol vào ngày 6-1. Sau đó, nó còn so sánh cách phản ứng của phương Tây với các cuộc biểu tình chính trị ở Hồng Kông.
Hình ảnh cắt từ đoạn clip giả về việc đốt phiếu bầu cho ông Trump. Ảnh: Virginia Beach
Trước đó, 2 tài khoản này còn đăng tải những thông điệp thù địch nhắm vào ông Trump và ông Joe Biden, đưa ra những cáo buộc gian lận bầu cử và tuyên truyền các "thông tin tiêu cực" về cách Mỹ xử lý đại dịch Covid-19.
Giáo sư Martin Innes, giám đốc viện an ninh và tội phạm của Trường ĐH Cardiff, cho biết các phân tích nguồn mở cho thấy các tài khoản trên có "nhiều liên kết" với Bắc Kinh.
Ông Innes cho biết ban đầu các nhà nghiên cứu nghĩ rằng mạng lưới ẩn này không quá phức tạp. Tuy nhiên, các bằng chứng khác đã tiết lộ cái mà ông gọi là hoạt động trực tuyến "tinh vi và quy củ". Các tài khoản trên không sử dụng các hashtag (thẻ) nhất định để tránh các biện pháp kiểm duyệt của Twitter. Chúng được đăng tải trong giờ làm việc của Trung Quốc, tạm nghỉ trong những ngày lễ quốc gia và sử dụng các công cụ máy móc để dịch sang tiếng Anh.
Theo nghiên cứu, không thể khẳng định các tài khoản này có liên quan tới chính phủ Trung Quốc.
Vào năm 2020, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Cardiff đã phát hiện hơn 400 tài khoản có liên quan đến các hoạt động đáng ngờ. Các tài khoản này bị báo cáo lên Twitter và bị đình chỉ trong vòng vài ngày. Phân tích mới nhất cho thấy còn nhiều tài khoản khác đang hoạt động với mạng lưới linh hoạt hơn so với đánh giá trước đây.
Có các bằng chứng thuyết phục cho thấy những tài khoản này có liên quan tới Trung Quốc, ví dụ như các bài đăng dùng tiếng Trung Quốc và tập trung vào các chủ đề phản ánh lợi ích địa chính trị của nước này. Nghiên cứu cho biết có khoảng 221 tài khoản lan truyền các nội dung ủng hộ Trung Quốc với 42.618 bài đăng.
Bình luận (0)