Đài CNN trích lời Tổng thống Erdogan rằng ông sẽ thách thức lệnh bắt giữ 12 nhân viên an ninh của cảnh sát Mỹ.
Vụ bạo lực diễn ra giữa những người biểu tình và nhân viên an ninh của Tổng thống Erdogan bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm của ông tại Mỹ hồi tháng 5. Cảnh sát đã bắt giữ hai người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Mỹ.
Cuộc ẩu đả xảy ra bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ khi một số người chào đón Tổng thống Erdogan. Ảnh: Hotair
Theo cảnh sát, ông Eyup Yildirim ở bang New Jersey và ông Sinan Narin ở bang Virginia đã bị bắt vì cáo buộc tấn công hôm 14-6. Ông Yildirim và ông Narin được xác định là những người ủng hộ Tổng thống Erdogan trong một bài báo của tờ New York Times về vụ bạo lực nói trên.
Hai người đàn ông này đã tới Washington để ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không rõ liệu họ có mối liên hệ chính thức nào với đội an ninh của ông Erdogan hay không.
Người biểu tình bị đánh bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: US News
Một ngày sau đó, cảnh sát trưởng Peter Newsham tuyên bố lệnh bắt giữ 12 người Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 3 cảnh sát, cùng với hai người Canada. Ông Newsham nói: "Tất cả chúng ta đều thấy bạo lực nhằm vào người biểu tình. Chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành động này".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng lệnh bắt giữ "gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ không dung túng cho những cá nhân sử dụng lời đe dọa và bạo lực để ngăn tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm chính trị hợp pháp". Tuy nhiên, đội nhân viên an ninh của Tổng thống Erdogan đã trở lại Thổ Nhĩ Kỳ cùng với ông nên không rõ liệu họ có bị bắt hay không. Đài CNN không cung cấp thông tin chi tiết về phản ứng của ông Erdogan.
Trong khi đó, báo Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) trích lời Tổng thống Erdogan: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ về chính trị, ngoại giao để giải quyết vấn đề".
Vào thời điểm xảy ra vụ việc trên, Tổng thống Erdogan đã ngồi trong một chiếc xe đậu gần đó và chứng kiến cuộc ẩu đả. Đoạn video cho thấy một số người đàn ông mặc vest đấm đá người biểu tình. 11 người bị thương và 9 người trong số này phải nhập viện điều trị. Mỹ đã nêu vụ việc trên với Thổ Nhĩ Kỳ và xác nhận các nhân viên an ninh nước này đã tham gia cuộc ẩu đả. Tuy nhiên, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những người biểu tình đã kích động những người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ có mặt ở đó chào đón Tổng thống Erdogan và họ chỉ là phản ứng tự vệ.
Bình luận (0)