Leif Ristroph, chuyên gia của Phòng ứng dụng Toán học thuộc Đại học New York cho biết: “Chúng tôi quan tâm trước hết trong việc đưa ra một loài robot côn trùng thay thế trực thăng. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng chúng tôi đã chọn một con sứa”.
Các kỹ sư đã đánh giá cao chuyển động đơn giản mà hiệu quả của loài sứa, vì vậy họ muốn tái tạo các chuyển động tương tự của nó trong một chiếc máy bay không người lái.
Máy bay sứa nặng 2,1 g. Ảnh: Youtube
Đầu tiên, các nhà khoa học chế tạo 4 cánh máy bay hình cánh hoa, mỗi cánh dài 8 cm. Khi chúng gập lại với nhau sẽ tạo thành một hình nón chỉ xuống. Một động cơ tí hon được gắn vào trục khuỷu tạo lực đẩy 4 chiếc cánh ra ngoài và xuống dưới khoảng 20 lần/giây giúp không khí thoát ra qua đáy hình nón.
Kết quả là họ nhận được một vật thể bay cực kỳ ổn định và không cần điều chỉnh liên tục. Nếu bị đổ, nó sẽ tự động lật lại. Thiết bị có thể thay đổi hướng bay bằng cách làm cho một cánh hoạt động mạnh hơn ba cánh còn lại.
Vật liệu chế tạo chiếc máy bay sứa siêu nhỏ này chủ yếu là sợi carbon nhẹ để tạo ra bộ khung và bao phủ bằng nhựa Milar trong suốt. Chúng có thể được mua tại các cửa hàng mô hình thông thường.
Ông Ristroph cho biết: “Chúng tôi đã lấy cảm hứng từ các đoạn video ghi lại cảnh thử nghiệm những chiếc máy bay đầu tiên. Họ rất sáng tạo vào thời điểm đó và có nhiều ý tưởng rất tốt".
Loại máy bay sứa kể trên có thể thực hiện các nhiệm vụ giám sát trên không và kiểm tra ô nhiễm không khí. Đại học New York đã nộp bằng sáng chế cho loại máy bay độc đáo này.
Bình luận (0)