Đây là dự án được Hải quân Mỹ hợp tác với các nhà nghiên cứu đến từ Trường ĐH Florida Atlantic (FAU).
Giám đốc Viện Kỹ thuật Hệ thống và Đại dương thuộc FAU, Manhar Dhanak, đầu tháng này xác nhận đang phát triển một hệ thống đa phương tiện an toàn, tin cậy và tự động để tiến hành các nhiệm vụ tại vùng duyên hải nước Mỹ.
Nhóm nghiên cứu của FAU sẽ phát triển công cụ phần mềm mới giúp những chiếc thuyền tự hành có khả năng tránh va chạm tốt hơn, đồng thời có thể triển khai máy bay không người lái (UAV) và tàu ngầm tự hành.
Trang Defense One cho biết hải quân Mỹ đang đẩy mạnh việc phát triển và mua sắm UAV, đưa chúng vào các cuộc diễn tập và nhiều hoạt động khác. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng tích cực hợp tác với các trường đại học và đối tác nghiên cứu phi truyền thống nhằm tạo ra những nguyên mẫu mới.
Hải quân Mỹ đang phát triển thuyền tự hành để bảo vệ vùng ven biển. Ảnh: Hải quân Mỹ
Vào năm 2014, hải quân Mỹ thử nghiệm bảo vệ 1 tàu chiến bằng 13 thuyền tự hành. Ngoài ra, lực lượng này còn phát triển (và sắp triển khai) tàu tự hành Sea Hunter hoạt động tại vùng biển mở và có khả năng tuân thủ luật hàng hải quốc tế.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work thậm chí phỏng đoán Sea Hunter có thể được trang bị cả tên lửa đạn đạo.
Nằm trong chương trình hệ thống không người lái chiến lược của Lầu Năm Góc, hải quân Mỹ cũng đang thử nghiệm một phiên bản UAV mở rộng giống như Nomad – chiếc UAV được phóng từ tàu khu trục Pinckney hồi năm 2016.
Một phương tiện tự hành khác – Glider - có thể triển khai từ máy bay – sẽ được thử nghiệm vào cuối năm nay và Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ dự kiến trình làng nó vào năm tới. Tính năng đặc biệt của Glider là bay dọc theo mặt nước, sau đó có thể "lặn" xuống độ sâu 200 m.
Hải quân Mỹ lập luận rằng quá trình phát triển và đưa vào sử dụng phương tiện tự hành nhanh hơn rất nhiều so với việc mua máy bay và tàu thuyền do con người vận hành.
Bình luận (0)