Tại buổi khai mạc, các chỉ huy hải quân từ cả hai nước tuyên bố mục tiêu của cuộc tập trận là tăng cường sự sẵn sàng của hai phía để đối phó với các cuộc khủng hoảng, đồng thời thắt chặt mối quan hệ lịch sử. Cuộc tập trận quy tụ khoảng 1.100 quân nhân Mỹ và 400 quân nhân Philippines.
Tuần trước, nổi giận vì bị Mỹ chỉ trích về chiến dịch chống ma túy, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố đây là cuộc tập trận cuối cùng trong nhiệm kì tổng thống của ông. Tuy nhiên, ngoại trưởng nước này sau đó đính chính đây không phải là quyết định cuối cùng. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu các cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Philippines có tiếp tục theo kế hoạch không.
Các quan chức tại đại sứ quán Mỹ cho biết Washington chưa được chính phủ Philippines thông báo chính thức về bất kì động thái hủy bỏ các cuộc tập trận dự kiến nào. Nếu có, điều này có thể cản trở kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á để đối phó Trung Quốc.
Cuộc tập trận năm 2015 của Mỹ - Philippines. Ảnh: AP
Tại buổi tập trận, một phát ngôn viên của quân đội Philippines, Đại úy Ryan Lacuesta, tránh né câu hỏi về việc liệu những tuyên bố của ông Duterte có ảnh hưởng đến các lực lượng và không khí của buổi tập không. “Dù rất muốn trả lời câu hỏi này nhưng tôi sẽ để các cơ quan có thẩm quyền cao hơn trả lời” – ông Lacuesta nói hôm 4-10.
Chuẩn tướng hải quân Mỹ, ông John Jansen, cho biết ngoài việc thúc đẩy an ninh khu vực, các cuộc tập trận sẽ giúp cứu nhiều mạng người sau này nhờ cải thiện tốc độ và hiệu quả phản ứng trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Tổng thống Duterte đã có mối quan hệ không mấy hòa thuận với Mỹ, một đồng minh hiệp ước quan trọng. Ông khẳng định đang vẽ ra một chính sách đối ngoại không dựa vào Mỹ và dần dần khôi phục quan hệ với Trung Quốc.
Ông Duterte từng tuyên bố công khai rằng sẽ không cho hải quân Philippines tuần tra chung với Mỹ tại Biển Đông vì điều này có thể khiến Trung Quốc khó chịu. Thậm chí, Tổng thống Duterte cho biết sẽ xem xét lại Hiệp định Tương trợ Quốc phòng 1951 với Mỹ.
Bình luận (0)