Vấn đề biển Đông đã trở thành tâm điểm tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ ở thủ đô Vientiane - Lào hôm 8-9 khi Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi tháng 7 là “ràng buộc” và “giúp làm rõ những quyền hàng hải tại khu vực”.
Washington không lùi bước
Phát biểu tại hội nghị, ông chủ Nhà Trắng thừa nhận phán quyết của PCA về vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan vấn đề biển Đông khiến căng thẳng gia tăng nhưng hy vọng sẽ có các cuộc thảo luận về cách thức giảm căng thẳng, thúc đẩy ngoại giao và sự ổn định tại khu vực. Trước đó 2 ngày, ông Obama khẳng định tàu, máy bay Mỹ sẽ tiếp tục đi lại tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có biển Đông.
Tuyên bố này rõ ràng khiến Bắc Kinh nóng mặt vì Trung Quốc lâu nay cho rằng Mỹ không có vai trò gì trong vấn đề biển Đông. Tiếp tục nhấn mạnh lập trường này tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc hôm 7-9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN để ngăn bên ngoài can thiệp vào biển Đông và xử lý thỏa đáng vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 3 từ phải sang) tại Hội nghị Cấp cao Đông Á hôm 8-9 Ảnh: Reuters
Vụ đấu khẩu mới nhất nói trên một lần nữa nêu bật cuộc tranh giành ảnh hưởng của cả Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á. Lào trở thành “chiến trường” mới nhất sau khi ông Obama trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm nước này. Tại đây, nhà lãnh đạo Mỹ cam kết viện trợ 90 triệu USD trong vòng 3 năm để giúp nước chủ nhà rà phá hàng chục triệu quả bom chưa nổ do máy bay Mỹ ném xuống từ thời chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh kim ngạch thương mại song phương chỉ mới đạt 70 triệu USD/năm, Washington sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nếu muốn lôi kéo Vientiane.
Không thể phủ nhận thực tế rằng Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi kinh tế của Lào. Bắc Kinh hiện có 760 dự án đầu tư có tổng giá trị 6,7 tỉ USD tại quốc gia đang giữ cương vị chủ tịch ASEAN. Dù vậy, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, có những dấu hiệu cho thấy Lào muốn thoát dần khỏi cái bóng quá lớn của Trung Quốc và tìm kiếm sự cân bằng trong chính sách đối ngoại. Chẳng hạn, theo Reuters, dự án đường sắt trị giá 7 tỉ USD của Trung Quốc ở Lào đã bị tạm ngưng do chính phủ mới của nước chủ nhà không hài lòng với các điều khoản của thỏa thuận. Ngoài ra, việc Bắc Kinh chủ yếu chỉ tập trung đầu tư vào ngành năng lượng và khai khoáng dẫn đến chỉ trích mô hình này không bền vững và có thể gây hại đến sự phát triển lâu dài của Lào.
Bắc Kinh không chịu ngồi yên
Chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ có thể giúp ích cho nỗ lực trên của Lào. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tái thiết lập quan hệ với Mỹ đang được xem là một ưu tiên trong chính sách đối trọng ngoại giao và kinh tế của Lào. Ông Michael Fuchs, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận định Lào dù vẫn “hoài nghi sâu sắc” Mỹ nhưng sẵn lòng có quan hệ nồng ấm hơn. Với Lào, theo Mỹ không chỉ là đối trọng của Trung Quốc mà còn có không ít sức hút, như đầu tư kinh doanh, giáo dục...
Chắc chắn Trung Quốc không chịu ngồi yên nhìn Mỹ lấn tới tại các nước láng giềng của mình, nhất là khi Bắc Kinh đang tìm cách gây ảnh hưởng lên ASEAN về vấn đề biển Đông. Giới quan sát nhận định chuyến tham dự các hội nghị ASEAN cũng là dịp để Thủ tướng Lý thúc đẩy các dự án kinh tế, hạ tầng cũng như sáng kiến “Một vành đai, một con đường” tại Lào. Ông Đỗ Kỳ Phong, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh và Washington đang tranh nhau ảnh hưởng ở Vientiane nhưng đây không phải là cuộc chiến “có kẻ thắng người thua”.
Duy trì hòa bình ở biển Đông
Thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Mỹ và Ấn Độ và Hội nghị Cấp cao Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, với cơ hội và thách thức đan xen. Chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp tại biển Đông, Thủ tướng khẳng định đây không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo mà còn là duy trì hòa bình, hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế và không tiến hành các hoạt động quân sự hóa. Thủ tướng nhấn mạnh tất cả các bên cần thể hiện thiện chí và quyết tâm chuyển sang giai đoạn mới để đưa biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Chặn đầu xung đột
“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông” - Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở Vientiane - Lào ngày 8-9. Trong khi đó, Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan khẳng định: “Một số nhà lãnh đạo vẫn quan ngại về các diễn biến gần đây ở biển Đông… Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế”.
Cả 2 tuyên bố chung không chỉ đích danh Trung Quốc trong các hoạt động cải tạo đất ở biển Đông cũng như phán quyết ngày 12-7 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tuy vậy, ASEAN và Trung Quốc cũng đạt được một số tiến triển trong nỗ lực ngăn chặn xung đột ở biển Đông, bao gồm việc thông qua Tuyên bố chung về áp dụng Bộ Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở biển Đông. Được xây dựng tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) năm 2014, CUES là bản hướng dẫn liên lạc và diễn tập giữa các tàu và máy bay hải quân của các nước khi họ hoạt động gần nhau.
Theo báo điện tử Today (Singapore), thông qua CUES ở biển Đông lúc này là kịp thời bởi các sự cố - như đâm va và quấy rối tàu cá… - đang xảy ra thường xuyên hơn. Tình hình càng đáng lo hơn với khuynh hướng quân sự hóa rõ ràng ở biển Đông, thể hiện qua hành động xây dựng các đảo nhân tạo, tập trận bắn đạn thật… của Trung Quốc. Tuy nhiên, CUES không phải là cây đũa thần bởi nó không mang tính ràng buộc pháp lý và không nhằm vào các tàu thực thi pháp luật trên biển không thuộc hải quân. Thêm vào đó, Today cho rằng ASEAN còn phải tính đến các vụ đối đầu trên không, nhất là trước kịch bản Trung Quốc có thể lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
Ngoài CUES, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước này để xử lý các trường hợp khẩn cấp ở biển Đông.
Lục San
Bình luận (0)