Sau khi Triều Tiên tuyên bố đưa vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7-2, Mỹ và các đồng minh đã chỉ trích vụ phóng là tấm bình phong che đậy việc phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo với khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Washington cũng nhắc lại cam kết bảo vệ các đồng minh Seoul và Tokyo ngay sau vụ phóng.
Ngoài ra, Mỹ và Hàn Quốc cho biết sẽ bắt đầu thảo luận chính thức về việc triển hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại bán đảo Triều Tiên "trong thời gian sớm nhất có thể". Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Washington sẽ giúp Seoul triển khai THAAD càng sớm càng tốt nhưng không đưa ra thời gian biểu cụ thể.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng "vệ tinh" hôm 7-2. Ảnh: Kyodo
Dù vậy, bước đi trên, nếu có, đe dọa khiến Mỹ - Trung thêm hục hặc, đồng tời làm tổn thương quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul.
Bắc Kinh đã nhanh chóng bày tỏ lo ngại về khả năng THAAD được triển khai ở Seoul do radar của hệ thống này có thể xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc. Bài xã luận trên báo Global Times dẫn lời giới chuyên gia quân sự cho rằng một khi THAAD được thiết lập, tên lửa Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu giám sát, từ đó đe dọa an ninh quốc gia.
Hàn Quốc cho đến giờ vẫn không muốn công khai chuyện thảo luận về THAAD do không muốn làm Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu, bất bình. Dù vậy, một quan chức Mỹ nhận định vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên có thể buộc Hàn Quốc gạt sang một bên mối bận tâm nói trên.
Trong nỗ lực trấn an Bắc Kinh, cả Washington và Seoul khẳng định nếu THAAD được triển khai ở Hàn Quốc, hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ chỉ tập trung vào mối đe dọa từ Triều Tiên.
Hệ thống THAAD. Ảnh: Lockheed Martin
Nhật Bản cũng từng xem xét biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ với hệ thống THAAD, do hãng Lockheed Martin Corp (Mỹ) phát triển.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 8-2 cho biết Bộ Quốc phòng nước này chưa có kế hoạch cụ thể liên quan đến THAAD nhưng tin rằng việc bổ sung các hệ thống vũ khí mới sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước. Ông Riki Ellison, nhà sáng lập tổ chức Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa (Mỹ) cho rằng vụ phóng của Triều Tiên sẽ thúc đẩy Tokyo xem xét triển khai THAAD.
Washington chuyển 1 trong 5 hệ thống THAAD của mình đến đảo Guam năm 2013 theo sau những mối đe dọa của Triều Tiên.
THAAD được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo khi nó ở bên trong hoặc ngay khi ra ngoài bầu khí quyển trong giai đoạn bay cuối cùng. Hệ thống này cho đến giờ đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc đối phó tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc thừa nhận THAAD chưa từng thử nghiệm trong việc đương đầu với loại tên lửa tầm xa mà Triều Tiên vừa phóng.
Một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi THAAD không thể bắn hạ loại tên lửa trên, việc triển khai nó có thể giúp trấn an người dân Hàn Quốc. Ngoài ra, động thái này còn có thể phát đi thông điệp đến Trung Quốc rằng nước này cần làm nhiều hơn để kiềm chế các chương trình tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân của nước láng giềng Triều Tiên.
Bình luận (0)