Người phát ngôn của Thủy quân lục chiến Mỹ tại đảo Guam nói với hãng Kyodo News rằng khoảng 5.000 quân ở Okinawa sẽ di chuyển, với khoảng 1.700 lính sẽ đóng quân vĩnh viễn ở đảo Guam và phần còn lại luân chuyển giữa các căn cứ ở Hawaii, Hàn Quốc và Úc.
Theo trang Stars & Stripes, khoảng 2.700 lính thủy đánh bộ ở Okinawa sẽ được gửi tới Hawaii, trong khi 800 binh sĩ sẽ chuyển tới lục địa Mỹ. 1.300 quân sẽ chiếm phần lớn lực lượng 2.500 binh sĩ được luân chuyển tới Úc. Hiện chưa rõ có bao nhiêu lính thủy đánh bộ sẽ tiếp tục đồn trú ở Okinawa sau khi việc tái tổ chức hoàn tất.
Quân đội Mỹ tại Trạm không quân thủy quân lục chiến Mỹ Futenma ở tại quận ven biển Henoko thuộc TP Nago, tỉnh Okinawa. Ảnh: EPA
Động thái này là một phần của sự phân bổ rộng rãi hơn các tài sản quân sự của Washington trong khu vực hơn 20 năm qua nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần, chủ yếu là do sự phản đối của địa phương đối với việc mở rộng trại Schwab của Thủy quân Lục chiến Mỹ tại huyện ven biển Henoko, phía Đông Bắc Okinawa.
Một căn cứ quân sự mới đang được xây dựng gần căn cứ không quân Andersen ở phía Bắc đảo Guam. Cơ sở mới dự kiến hoàn thành vào năm 2026 và sẽ có 5.000 lính thủy đánh bộ và ước tính 2.400 người phụ thuộc. Chính quyền địa phương ở đảo Guam đã hoan nghênh việc sắp xếp thời gian di chuyển này.
Máy bay Mỹ, Úc và Nhật Bản bay cùng nhau ngoài khơi đảo Guam ngày 6-3-2019. Ảnh: US AIR FORCE
Người phát ngôn của Thống đốc Lou Leon Guerrero nói: "Chúng tôi đã chuẩn bị và lên kế hoạch cho việc này một thời gian. Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với quân đội và các đối tác liên bang của chúng tôi tại đảo Guam. Công việc đó đã được tiến hành ít nhất 15 năm nay và chúng tôi đang tiến tới thời hạn 2024". Trong một bài phát biểu hồi tháng 4, nữ phát ngôn viên Guerrero nói rằng việc tăng cường lực lượng này sẽ có tác động kinh tế tích cực đến hòn đảo và cư dân.
Căn cứ không quân Andersen Ảnh: KYODO
Việc xây dựng cơ sở trên đảo Guam sẽ tiêu tốn khoảng 8,7 tỉ USD, phía Nhật Bản đóng góp 3,1 tỉ USD. Mặc dù các nhà vận động phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Okinawa hoan nghênh sự ra đi của phần nhiều trong số 20.600 lính thủy đánh bộ đóng quân ở đó, sự hoài nghi vẫn còn hiện hữu.
Ông Yasukatsu Matsushima, giáo sư kinh tế tại trường ĐH Ryukoku của Kyoto, cho biết: "Đây là một tin tức tích cực đối với người dân Okinawa nhưng chúng tôi không chắc chắn điều đó sẽ thực sự xảy ra vì nó phụ thuộc vào việc hoàn thành căn cứ mới của Mỹ tại trại Schwab. Có rất nhiều vấn đề tại địa điểm này, nhất là thực tế đáy biển nơi chính phủ đang lên kế hoạch thực hiện công việc cải tạo để xây dựng đường băng mới là bùn mềm không thể chịu được trọng lượng cần thiết".
Trong khi đó, một số quan chức cấp cao Mỹ lo ngại rằng việc di dời các đơn vị quân đội xa hơn Đông Bắc Á làm giảm khả năng phản ứng. Trong các phiên điều trần tại Thượng viện ở Washington vào đầu tháng 5, Tướng Robert B. Neller, chỉ huy Thủy quân lục chiến, cho biết ông tin rằng kế hoạch rời Okinawa nên được xem xét lại. Còn Thượng nghị sĩ Brian Schatz thắc mắc liệu việc tái tổ chức ở đảo Guam có ý nghĩa gì không.
Bình luận (0)