Trong vài tuần qua, nhà chức trách không thể xác định vị trí của Abu Wa'el Dhiab, một công dân Syria trước đây bị giam giữ ở nhà tù Guantanamo. Chính phủ Uruguay cho biết Dhiab đang tới Brazil với tư cách người tị nạn, đồng thời khẳng định anh ta có quyền đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, cảnh sát Brazil nói rằng không có hồ sơ nhập cảnh của Dhiab tại nước này.
Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức tân Đại sứ Mỹ tại Uruguay hồi tháng trước, bà Keiderling nêu nghi vấn nơi ở của Dhiab hiện tại. “Có thể về mặt lý thuyết, Dhiab là một mối đe dọa. Chúng ta phải xác định mối đe dọa đó là gì và tìm cách giải quyết nó” – bà Keiderling cho hay.
Sau khi thả 6 tù nhân Guantanamo, Washington từ chối tiết lộ thỏa thuận tái định cư cho họ ở Uruguay. Một số nguồn tin tiết lộ thỏa thuận bao gồm lệnh cấm đi lại trong một khoảng thời gian nhất định.
Luật sư đại diện cho Dhiab, ông Jon Eisenberg (đến từ California - Mỹ), cho AP biết hồi tuần trước rằng ông cảm thấy hoài nghi về báo cáo Dhiab rời khỏi Uruguay. Theo ông Eisenberg, hai người đã nói chuyện qua điện thoại vào ngày 5-6 và Dhiab chia sẻ anh ta sẽ cắt liên lạc trong suốt tháng chay Ramadan (kết thúc hồi tuần trước) và tuần sau đó.
Hãng hàng không Avianca Airlines tuần rồi ban hành cảnh báo nội bộ, cho rằng Dhiab có thể đã sử dụng hộ chiếu giả để cố gắng nhập cảnh Brazil. Hãng cho biết cảnh báo được đưa ra dựa trên những thông tin do cảnh sát liên bang Brazil cung cấp.
Cùng ngày 11-7, 2 tù nhân Vịnh Guantanamo đã được Mỹ bàn giao cho Serbia trong một nỗ lực đóng cửa nhà tù này. Hai tù nhân bao gồm Mansur Ahmad Saad al-Dayfi (người Yemen) và Muhammadi Davlatov (người Tajikistan). Như vậy, số tù nhân tại Guantanamo bây giờ chỉ còn 76 người.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả đây là hành động “nhân đạo có ý nghĩa”. “Mỹ đánh giá cao sự hỗ trợ của Serbia giữa thời điểm chúng tôi đang tiếp tục những nỗ lực đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo” – ông Kerry nói.
Trước đó 1 ngày, Mỹ cũng chuyển tù nhân Fayiz Ahmad Yahia Suleiman cho chính phủ Ý.
Tổng thống Barack Obama hy vọng đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo vào năm 2009 nhưng vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa cũng như Dân chủ.
Bình luận (0)