Hạ viện Mỹ hôm 23-1 đã thông qua một dự luật nhằm tạm thời dỡ bỏ mức trần nợ công 16.400 tỉ USD và cho phép chính phủ được vay tiền để chi tiêu đến ngày 19-5.
Dự luật nhiều khả năng sẽ được Thượng viện thông qua trước khi Tổng thống Barack Obama ký ban hành nó thành luật trong những ngày tới. Đây là bước đi cần thiết nhằm tránh cho chính phủ liên bang bị vỡ nợ hoặc phải đóng cửa. Nợ công Mỹ đã kịch trần 16.400 tỉ USD vào tháng rồi, buộc Bộ Tài chính phải áp dụng những biện pháp đặc biệt để có tiền trang trải các hóa đơn của chính phủ đến cuối tháng 2-2013.
Phát biểu tại cuộc tranh luận về dự luật, Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho biết: “Tiền đề ở đây khá đơn giản. Đó là sẽ không có sự gia tăng dài hạn về mức trần nợ công chừng nào không có kế hoạch dài hạn để xử lý cuộc khủng hoảng tài chính mà đất nước đang đối mặt. Đây là bước đi đầu tiên nhằm đưa trách nhiệm tài chính thật sự trở về Washington”.
Kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện cho thấy sự chuyển hướng của phe Cộng hòa, những người từng dọa sử dụng vấn đề trần nợ công để thúc ép Tổng thống Barack Obama thực thi thêm các biện pháp cắt giảm chi tiêu. Dù vậy, ông Boehner cảnh báo sau cuộc bỏ phiếu rằng đảng của ông sẽ tiếp tục đòi hỏi thêm những “cải cách” từ ông Obama khi các biện pháp cắt giảm ngân sách tự động có hiệu lực vào ngày 1-3.
Trong một động thái gây sức ép về vấn đề ngân sách, một điều khoản được đưa vào dự luật, theo đó các nghị sĩ sẽ không được lĩnh lương chừng nào quốc hội chưa thông qua được dự luật chi tiêu ngân sách vào ngày 15-4. Vì thế, dự luật trên được đặt tên là “Đạo luật không có ngân sách sẽ không có lương 2013”.
Bình luận (0)