Bảng câu hỏi bổ sung nêu trên đã được Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ thông qua hôm 23-5 và được sử dụng 2 ngày sau đó.
Mục đích của bước đi này là ngăn những đối tượng nghi là khủng bố hoặc đe dọa đến an ninh quốc gia vào Mỹ.
Theo đó, ứng viên xin thị thực dù theo dạng du lịch hoặc định cư đến Mỹ có thể sẽ phải trả lời những câu hỏi bổ sung, bao gồm cả những câu hỏi liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội.
Bảng câu hỏi bổ sung dài 3 trang nói trên sẽ hỏi ứng viên xin thị thực số hộ chiếu và lịch sử du lịch trong suốt 15 năm qua, bao gồm nguồn cung cấp tài chính cho những chuyến đi này.
Biện pháp này nhằm tìm hiểu xem liệu ứng viên có đến những khu vực bị các nhóm khủng bố kiểm soát hay không. Ứng viên còn phải cung cấp thông tin về lịch sử làm việc trong suốt 15 năm, địa chỉ cư trú và tên bạn đời.
Một trong những câu hỏi gây tranh cãi nhất yêu ứng viên phải cung cấp thông tin về những tên tài khoản mạng xã hội mà họ dùng trong 5 năm qua. Theo Liên đoàn tự do dân sự Mỹ, câu hỏi này xâm phạm đến quyền riêng tư và tự do ngôn luận của cả ứng viên xin thị thực và những người mà họ liên lạc trên mạng xã hội.
Bảng câu hỏi bổ sung chỉ được áp dụng đối vối những trường hợp mà nhân viên lãnh sự Mỹ cho là cần phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Ảnh minh họa: NDTV
Tuy nhiên, bảng câu hỏi bổ sung này chỉ áp dụng đối với những trường hợp mà nhân viên lãnh sự cho là cần phải được kiểm tra "nghiêm ngặt". Mỗi năm, có khoảng 13 triệu trường hợp xin thị thực Mỹ và Bộ Ngoại giao nước này ước tính sẽ có khoảng 65.000 trường hợp phải trả lời những câu hỏi bổ sung.
Bảng câu hỏi bổ sung nêu trên là một biện pháp tạm thời, "cấp bách" để đáp ứng lời kêu gọi tăng cường kiểm tra ứng viên xin thị thực Mỹ được Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm 6-3.
Quá trình kiểm tra mới và gắt gao hơn sẽ có hiệu lực đến hết tháng 11-2017. Tuy nhiên, nhiều khả năng quá trình này sẽ được cập nhật và thực hiện lâu dài.
Bình luận (0)