Không có bằng chứng thuyết phục
Binh sĩ đưa một người bị thương trong bão lên máy bay để rời khỏi thành phố Tacloban hôm 14-11 Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vài ngày sau đó, GS-TS Mahar Lagmay, Giám đốc dự án diễn đàn giám sát thời tiết trực tuyến NOAH của Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines, cho rằng người làm ra đoạn video trên không chứng minh được giả thuyết mình đưa ra. Ông nhận định: “Cho đến thời điểm này, tôi không thấy có sự liên hệ nào cả. Không có bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết bão Yolanda do công nghệ Mỹ tạo ra. Không có lý do nào để tin người này”.
Công tác cứu trợ bị chỉ trích
Trong lúc này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong việc đẩy nhanh hoạt động cứu trợ sau khi xuất hiện nhiều chỉ trích Manila phản ứng chậm chạp sau bão Haiyan. Liên Hiệp Quốc hôm 14-11 cũng phải thừa nhận nỗ lực cứu trợ quá chậm giữa lúc người sống sót đói khát đang làm liều. Bà Valerie Amos, Giám đốc Cơ quan Nhân đạo Liên Hiệp Quốc, cho biết vẫn còn một số khu vực chưa nhận được giúp đỡ do sức tàn phá rộng lớn của bão và những thách thức về mặt hậu cần.
Ông Aquino biện hộ rằng số người thiệt mạng (hiện ở mức 2.357 người) có thể còn cao hơn nếu người dân không được sơ tán và hàng cứu trợ không được chuẩn bị sẵn trước khi bão ập đến. Dù vậy, nhiều người sống sót phàn nàn không ai cảnh báo họ về sự hủy diệt của cơn bão. Còn ông Rene Almendras, Chánh Văn phòng Nội các Philippines, nhận định chính phủ đang làm “khá tốt” công tác ứng phó thảm họa trong bối cảnh khả năng có hạn. Theo ông, cứu trợ là trách nhiệm của chính quyền các địa phương.
Báo The Washington Post (Mỹ) cũng cho rằng không nên đổ hết trách nhiệm cho chính phủ Philippines. Theo tờ báo, bên cạnh nguyên nhân khách quan là bão Haiyan quá khủng khiếp, câu trả lời rõ ràng nhất và cũng khó giải quyết nhất cho sự cứu trợ chậm chạp, đáng buồn thay, lại là tình trạng đói nghèo của Philippines. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách có hạn cản trở chính phủ đầu tư vào những hạ tầng có thể chống lại thiên tai và rót vào cứu trợ khi cần. Việc chính quyền địa phương có được mức độ tự chủ nhất định lại làm gia tăng rào cản khi chính phủ cần tập trung nguồn lực đối phó với thảm họa thiên tai lớn.
Khẩn trương cứu trợ người Việt mắc kẹt ở Tacloban Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cho biết vào lúc 7 giờ 45 phút (theo giờ Hà Nội) ngày 14-11, 2 cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã tiếp cận và chuyển hàng cứu trợ cho bà con người Việt Nam đang tập trung ở thành phố Ormoc (cách Tacloban khoảng 105 km). 36 người Việt Nam (trong đó có 8 phụ nữ và trẻ em) tại Ormoc sức khỏe ổn định, không ai bị thương nặng. Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines cho biết thêm các cán bộ của Đại sứ quán đang khẩn trương di chuyển đến Tacloban và các khu vực lân cận để cứu trợ những người Việt Nam còn mắc kẹt tại đây. Đại sứ quán Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại, khẩn trương liên lạc với các đầu mối người Việt ở Tacloban, Cebu, Ormoc theo dõi sát tình hình để kịp thời có các biện pháp cứu trợ đối với công dân Việt Nam gặp nạn. Công dân Việt Nam có thể liên lạc qua 2 số điện thoại đường dây nóng 00639982756666 và 00639286727829 để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.
B.Diệp |
Bình luận (0)