Đó là cuộc đua chế tạo và đưa vào sử dụng vũ khí siêu thanh. Quân đội Mỹ định nghĩa vũ khí siêu thanh có khả năng đạt tốc độ ít nhất là Mach 5 (nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Tốc độ âm thanh trong không khí là khoảng 1.236 km/giờ.
Để so sánh, máy bay thương mại di chuyển ở tốc độ Mach 1. Một số máy bay quân sự có thể đạt tốc độ đến Mach 3 nhưng chỉ trong thời gian ngắn.
Hiện có 2 loại vũ khí siêu thanh cơ bản: Tên lửa hành trình siêu nhanh và vũ khí lướt tốc độ nhanh đặt trên tên lửa đạn đạo. Tên lửa hành trình siêu thanh chủ yếu phóng thừ máy bay và duy trì tốc độ cho đến khi trúng mục tiêu.
Trong khi đó, vũ khí lướt tốc độ nhanh đặt trên tên lửa đạn đạo được phóng từ máy bay, tàu, tàu ngầm, trên đất liền hoặc từ rìa không gian. Sau khi được phóng, vũ khí này sử dụng tốc độ và thiết kế khí động lực để bay ở độ cao đến 16.000 km.
Máy bay do thám SR-71 Blackbird. Ảnh: Không quân Mỹ
Vũ khí siêu thanh có một số lợi thuế so với tên lửa đạn đạo và hành trình hiện có.
Do tốc độ bay quá cao, chúng có thể tiếp cận mục tiêu trong thời gian ngắn trong lúc dễ dàng tránh né hoặc đánh bại các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa hiện nay.
Một số vũ khí siêu thanh có tốc độ nhanh đến nỗi khó có thể bị phát hiện bởi các hệ thống radar đang được sử dụng.
Các máy bay có tốc độ siêu thanh cũng sẽ có thể xâm nhập các hệ thống phòng thủ nhiều lớp của đối phương. Chẳng hạn như máy bay trinh sát SR-71 của Không quân Mỹ - có thể đạt tốc độ Mach 3 - chưa từng bị phòng không đối phương bắn hạ trong lịch sử hoạt động.
Có thông tin một phiên bản máy bay trinh sát tốc độ Mach 6 đang được phát triển ở Mỹ.
Mẫu máy bay siêu thanh X-51A Waverider. Ảnh: Không quân Mỹ
Mẫu X-51A Waverider được gắn dưới cánh máy bay B-52 trước khi thử nghiệm. Ảnh: Không quân Mỹ
Mẫu X-51A Waverider được gắn dưới cánh máy bay B-52 trong vụ thử nghiệm. Ảnh: Không quân Mỹ
Một số quan chức quốc phòng Mỹ đã công khai thừa nhận Nga và Trung Quốc đang dẫn trước Mỹ trong cuộc đua vũ khí mới này. Tướng John Hyten, tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ vào năm ngoái cho biết cả Moscow và Bắc Kinh đang tích cực theo đuổi vũ khí siêu thanh.
Trong khi đó, ông Michael Griffin, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, thậm chí bi quan hơn khi cho biết Trung Quốc trong năm ngoái thử vũ khí siêu thanh còn nhiều hơn Mỹ tiến hành trong 10 năm.
Vào tháng 12-2018, quân đội Nga đã đăng tải đoạn video về một chiến đấu cơ mang tên lửa hành trình siêu thanh gọi là Kinzhal. Theo các nguồn tin Nga, tên lửa này bay nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có tầm bắn lên đến hơn 2010 km, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc truyền thống.
Đáng chú ý là Mỹ cho đến giờ vẫn chưa triển khai được loại vũ khí siêu thanh nào. Không muốn bị bỏ lại quá xa, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thúc đẩy phát triển vũ khí thế hệ mới này và hy vọng triển khai vũ khí siêu thanh đầu tiên vào giữa thập niên tới.
Trong vài năm qua, Lầu Năm Góc đã ký các hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD với Tập đoàn Lockheed Martin để nghiên cứu vũ khí siêu thanh. Ba trong số các dự án này liên quan đến Không quân Mỹ.
Ngoài ra, Lockheed Martin còn đang bắt tay với Hải quân để phát triển hệ thống vũ khí siêu thanh có thể phóng từ tàu ngầm. Có thông tin công ty này đang phát triển chiến đấu cơ siêu thanh có thể đạt tốc độ Mach 6 trở lên.
Trong khi đó, Boeing đang phát triển cả máy bay và hệ thống vũ khí siêu thanh, trong đó có máy bay không người lái tốc độ siêu thanh X-51.
Năm 2013, Không quân Mỹ cho tiến hành thử nghiệm mẫu X-51A Waverider của Boeing. Kết quả, máy bay này đạt tốc độ Mach 5,1 trong chuyến bay kéo dài 6 phút trước khi rơi xuống ngoài khơi bang California như kế hoạch.
Trong kỷ nguyên vũ khí siêu thanh, phòng thủ chắc chắn đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng cần phát triển thế hiện cảm biến đặt trên không gian để phát hiện, theo dõi vũ khí siêu thanh, bên cạnh vũ khí đánh chặn tầm xa.
Bình luận (0)