Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-11 tuyên bố sẽ đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố, cùng với Sudan, Syria và Iran.
Sức ép tối đa
Và theo sau động thái ngoại giao được cho là khiêu khích này là lệnh trừng phạt "ở mức cao chưa từng có" giáng vào Triều Tiên được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 21-11.
Theo lời ông chủ Nhà Trắng, động thái này giúp gia tăng trừng phạt Triều Tiên và những cá nhân liên quan, hỗ trợ chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ nhằm cô lập Bình Nhưỡng. Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng bước đi này chỉ mang tính tượng trưng và lập trường về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ không suy suyển.
Một trong những "thiệt thòi" của đối tượng trong danh sách tài trợ khủng bố là không được nhận hỗ trợ thiết bị quân sự từ Mỹ. Đây không phải là vấn đề với quốc gia bị cô lập nhất thế giới trong hơn 7 thập kỷ qua. Chính Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng thừa nhận tín hiệu của việc đưa Triều Tiên vào danh sách "đen" nói trên quan trọng hơn tác động thực tiễn bởi "chúng ta vốn đã có những biện pháp trừng phạt quá nặng đối với Triều Tiên". Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh bước đi này sẽ ngăn cản các bên thứ ba ủng hộ Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nghe Tổng thống Donald Trump phát biểu trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng hôm 20-11 Ảnh: REUTERS
Cộng đồng quốc tế, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, ủng hộ động thái của tổng thống Mỹ, nói rằng đưa Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố sẽ gia tăng áp lực phi hạt nhân hóa đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra mất phương hướng về ý định đó của Washington.
Theo những gì ông Tillerson phát biểu tại Nhà Trắng ngày 20-11, Washington vẫn đặt hy vọng vào biện pháp ngoại giao. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã theo đuổi một chính sách gây sức ép tối đa - đặt nền móng trên các trừng phạt kinh tế và hạn chế thương mại - nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Trong chuyến công du 5 nước châu Á vừa rồi, Tổng thống Mỹ bày tỏ sẵn sàng nói chuyện với nhà lãnh đạo Kim Jong-un dù trước đó ông không ít lần cho rằng đàm phán chỉ phí thời gian.
Làm nóng tình hình
Triều Tiên từng bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách các nước tài trợ khủng bố năm 1988 vì thực hiện vụ đánh bom một phi cơ chở khách Hàn Quốc, làm 115 người trên khoang thiệt mạng.
Chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush đã xóa tên Bình Nhưỡng khỏi danh sách vào năm 2008 để tạo điều kiện tổ chức đàm phán phi hạt nhân hóa. Lẽ nào chính quyền của ông Donald Trump lại muốn thuyết phục Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán bằng cách đưa họ trở lại danh sách đó?
Theo nhận định của ông Robert Gallucci, người đứng đầu đoàn đàm phán Mỹ với Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, đưa Triều Tiên trở lại đàm phán sẽ khó khăn hơn nhiều sau quyết định của Tổng thống Donald Trump. Triều Tiên không phóng bất cứ tên lửa nào kể từ ngày 15-9, mở ra chút lạc quan về khả năng xuống thang căng thẳng. Quyết định đưa Triều Tiên vào danh sách "đen" có thể kích động sự giận dữ của Bình Nhưỡng.
Theo các nhà phân tích, Triều Tiên nhiều khả năng coi đây gần như là một lời tuyên chiến của Mỹ và "sẽ không mất nhiều thời gian để đáp trả" - có thể bằng một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Không lâu sau nước cờ mới nhất của ông chủ Nhà Trắng, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 21-11 dẫn lời ông Kim Jong-un phát biểu trong chuyến thị sát tổ hợp công nghiệp sản xuất ô tô Sungri Motor ở Dokchon, thuộc tỉnh Pyongan, rằng các lệnh trừng phạt không thể khuất phục người dân Triều Tiên, trái lại càng thôi thúc họ phát triển đất nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 21-11 kêu gọi tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên thông qua đàm phán. Trong khi đó, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tống Đào, đã hoàn tất chuyến thăm 4 ngày đến Triều Tiên hôm 20-11 nhưng không đề cập tới việc có gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên hay không.
Bình luận (0)