Tranh cãi lần này liên quan đến số phận của giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật bị Ankara tố giật dây vụ việc. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama để dẫn độ giáo sĩ Gulen, đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania.
Thủ tướng Binaila Yildirim thậm chí tuyên bố bất cứ nước nào ủng hộ giáo sĩ Gulen sẽ không phải là bạn của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà phân tích chính trị Daniel Patrick Welch, có một số thông tin cho rằng vụ đảo chính được Ả Rập Saudi và ông Gulen hậu thuẫn nhằm “trừng phạt” Tổng thống Recep Erdogan vì động thái hòa giải với Nga và đề nghị bình thường hóa quan hệ với Syria gần đây.
Không nao núng, Washington tuyên bố xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Ankara trưng ra bằng chứng về vai trò của ông Gulen trong vụ đảo chính. Một số nhà phân tích nhận định với đài RT rằng Mỹ vẫn cần Thổ Nhĩ Kỳ làm đồng minh để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và gây sức ép lên Nga nhưng sẽ không có chuyện trao giáo sĩ Gulen cho Ankara.
Trong lúc chính quyền ông Erdogan ra sức thanh trừng sau khi suýt bị lật đổ, đã xuất hiện những nhận định vụ đảo chính tối 15-7 rất kỳ lạ và khác hẳn những vụ xảy ra trước đây ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng tin Reuters hôm 18-7 dẫn nguồn tin quân đội tiết lộ: Lúc cao điểm của cuộc đảo chính, chiếc máy bay chở ông Erdogan lọt vào tầm ngắm của 2 chiến đấu cơ F-16 thuộc phe đảo chính nhưng không hiểu sao không có hành động khai hỏa nào.
Đảo chính dù qua đi nhưng bất ổn vẫn còn đó. Đài CNN đưa tin 42 máy bay trực thăng ở căn cứ không quân Incirlik bỗng nhiên mất tích, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc đảo chính mới. An ninh lập tức được siết chặt ở TP Istanbul với sự triển khai của cảnh sát, binh sĩ ngoài đường phố. Mệnh lệnh đã được đưa ra về việc bắn hạ các trực thăng mà không cần cảnh báo còn các chiến đấu cơ F-16 được điều đi tuần tra không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, làn sóng thanh trừng không có dấu hiệu dừng lại. Một quan chức an ninh cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18-7 cho biết nước này đã sa thải khoảng 8.000 cảnh sát trên cả nước, chủ yếu ở Istanbul và Ankara. Truyền thông trong nước cùng ngày đưa tin hơn 100 tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao bị bắt giữ. Tổng cộng có 232 người thiệt mạng và gần 1.500 người bị thương do đảo chính, theo Thủ tướng Binali Yildirim hôm 18-7.
Bình luận (0)