Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 28-5 càng căng thẳng hơn với Mỹ xung quanh việc nước này ủng hộ lực lượng Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria.
“Không thành thật”
Phát biểu trước đám đông tại Diyarbakir - thành phố tập trung đa số người Kurd ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ - ông Erdogan lớn tiếng chỉ trích Mỹ “không thành thật”.
“Những người vốn là đồng minh của chúng tôi, cùng sát cánh với chúng tôi trong NATO không thể và không nên đưa binh lính tới Syria, đeo phù hiệu của YPG” - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh. Ông không quên đay nghiến đồng minh về vụ phù hiệu YPG trên tay áo đặc nhiệm Mỹ ở Syria vài ngày trước đó. Theo ông Erdogan, sự ủng hộ mà Mỹ dành cho YPG đã đi ngược lại những lời hứa trước đó với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara đang xem YPG là một nhóm khủng bố có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd - lực lượng tiến hành cuộc nổi loạn chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ suốt hơn 3 thập kỷ qua. Mỹ cũng xem Đảng Công nhân người Kurd là thành phần khủng bố nhưng cho rằng tổ chức này và YPG không có mối liên hệ nào.
Theo hãng tin AP, hàng chục lính đặc nhiệm Mỹ đang hợp tác với YPG để trợ giúp cho cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Washington thậm chí còn đánh giá YPG là đối tác tin cậy, một trong những lực lượng chống IS hiệu quả nhất ở Syria.
Mâu thuẫn về YPG vốn đã sục sôi từ lâu giữa hai bên được dịp bùng nổ sau khi xuất hiện những bức ảnh cho thấy chiếc phù hiệu màu xanh lá đặc trưng của YPG xuất hiện trên tay áo của một số lính đặc nhiệm Mỹ tại tỉnh Raqqa, miền Bắc Syria hôm 25-5.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu lập tức liên tiếng cáo buộc Mỹ “đạo đức giả” và “hành động hai mặt”. Đồng thời, ông cũng không chấp nhận giải thích ban đầu từ người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook, theo đó việc lính Mỹ đeo phù hiệu YPG giúp họ “trà trộn” với lực lượng địa phương trong các chiến dịch ở nước ngoài.
“Lần sau, tôi gợi ý họ đeo phù hiệu của Daesh (tên gọi khác của IS), các nhóm khủng bố al-Nusra và al-Qaeda trong chiến dịch ở các khu vực khác ở Syria. Họ cũng nên đeo phù hiệu của Boko Haram khi họ tới châu Phi” - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ mỉa mai.
Căng thẳng vẫn còn
Trong động thái xoa dịu đồng minh NATO nêu trên, Washington hôm 27-5 thông báo rằng lính đặc nhiệm Mỹ ở miền Bắc Syria từ nay sẽ không còn đeo phù hiệu của YPG.
Đại tá Steve Warren, người phát ngôn chiến dịch chống IS, thậm chí phải đính chính lại lời tuyên bố của ông Peter Cook: “Việc đặc nhiệm Mỹ đeo phù hiệu YPG là trái phép và không phù hợp. Chúng tôi đã đưa ra biện pháp khắc phục. Chúng tôi luôn duy trì liên lạc với đối tác quân sự và đồng minh trong khu vực”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này vẫn sẽ tiếp tục sát cánh với YPG tại Syria, bất chấp nỗi lo của Ankara.
Ngoài xích mích về YPG khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tự cô lập trong cuộc chiến chống IS, nhiều vấn đề giữa Ankara với các đồng minh phương Tây đến nay vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn, như việc nước này bị cáo buộc tham gia buôn bán dầu mỏ với IS.
Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama cân nhắc lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, vì lý do Ankara thiếu nghiêm túc trong việc bảo đảm an toàn cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng như những vấn đề mâu thuẫn nội bộ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Những công kích mới nhất đến từ ông Erdogan cho thấy căng thẳng trong quan hệ 2 nước vẫn chưa tới hồi kết. Tuy nhiên, theo chuyên gia Sinan Ulgen thuộc Viện Carnegie (Mỹ), Ankara sẽ không thiêu rụi những chiếc cầu nối với đồng minh chủ chốt của mình bất chấp những bất đồng nêu trên.
“Trong một thế giới đang có vô số thách thức an ninh, Mỹ vẫn là chỗ dựa đáng tin cậy nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ và những lợi ích của nước này” - ông Ulgen nhấn mạnh.
Bình luận (0)