Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó mối đe dọa nhằm vào hoạt động vận tải biển sau khi quy trách nhiệm cho Iran trong vụ 2 tàu chở dầu bị nghi tấn công ở vịnh Oman hôm 13-6.
Ông chủ Nhà Trắng hôm 14-6 nhắc lại cáo buộc trên trong lúc Tehran tiếp tục bác bỏ sự liên quan. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thúc giục mở một cuộc điều tra độc lập để xác định ai đứng sau một loạt vụ tấn công bị nghi ngờ nhằm vào tàu chở dầu ở vùng Vịnh thời gian qua, làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Nỗi lo này càng gia tăng sau khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm 14-6 cho biết các quan chức Lầu Năm Góc đang soạn thảo một loạt kế hoạch khẩn cấp cho Mỹ và các nước đồng minh ở Trung Đông trong trường hợp căng thẳng giữa Washington và Iran leo thang.
Một số thủy thủ được Iran cứu sau 2 vụ nổ tàu chở dầu ở vịnh Oman hôm 13-6 Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, ông Shanahan đưa ra thông tin trên khi được hỏi liệu có đang cân nhắc đưa thêm quân hoặc tăng cường năng lực quân sự của Mỹ ở Trung Đông hay không. Cũng theo quan chức này, Washington còn đang tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm tăng sức ép lên Tehran. Tuy nhiên, ông Shanahan từ chối tiết lộ chi tiết các kế hoạch đang được Bộ Quốc phòng Mỹ hoặc Nhà Trắng cân nhắc. Theo một số nhà phân tích, Mỹ trước mắt có thể xem xét một số lựa chọn như hộ tống tàu thương mại đi qua eo biển Hormuz hoặc bổ sung các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.
Hai tàu M/T Altair (của Na Uy) và M/T Kokuka Courageous (của Nhật Bản) bị nổ khi cách bờ biển Iran khoảng 40 km hôm 13-6. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó tuyên bố Washington có bằng chứng "không thể chối cãi" về sự can dự của Iran trong 2 vụ tấn công. Nguy cơ đối đầu Washington - Tehran còn gia tăng sau khi nguồn tin quân sự Mỹ hôm 14-6 tiết lộ với đài CNN rằng một tàu tuần tra Iran phóng tên lửa tấn công một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ nhưng trượt mục tiêu. Trước khi bị tấn công, theo nguồn tin, chiếc máy bay không người lái phát hiện tàu Iran tiến lại gần 2 chiếc tàu chở dầu trên và 2 tàu này bốc cháy sau đó. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tính xác thực của cáo buộc mới này.
Trước đó, Mỹ tố Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của Tehran tiến hành các vụ tấn công làm tê liệt 4 tàu chở dầu ở khu vực hôm 12-5. Sau đó, Tehran còn bị cáo buộc đứng sau các vụ tấn công của máy bay không người lái nhằm vào 2 trạm bơm dầu của Ả Rập Saudi hôm 14-5. Bất chấp chính phủ Iran đã bác bỏ sự liên quan đến các vụ tấn công, Washington vẫn quyết định điều tàu sân bay Abraham Lincoln, máy bay ném bom chiến lược và 1.500 binh sĩ đến khu vực để củng cố khả năng phòng thủ của lực lượng Mỹ.
Lần này, cáo buộc của Mỹ nhằm vào Iran cũng mơ hồ và dấy lên không ít hoài nghi. Cuối ngày 13-6, Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ công bố hình ảnh, video mà họ cho là ghi lại cảnh các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) gỡ mìn chưa nổ ra khỏi thân tàu Kokuka Courageous. Ông Shanahan sau đó cho biết Lầu Năm Góc vẫn đang xác định nguồn gốc loại mìn nói trên. Tuy nhiên, ông Yutaka Katada, chủ tịch Công ty Kokuka Sangyo Co., hôm 14-6 không tin tàu Kokuka Courageous của họ trúng mìn khi cho biết thủy thủ đoàn đã thấy "các vật thể bay" trước khi vụ tấn công xảy ra.
Giới phân tích cũng chia rẽ về cáo buộc Iran đứng sau diễn biến gây căng thẳng mới nhất trên vịnh Oman. Một số chuyên gia cho rằng Iran không có lý do và lợi ích gì khi tấn công một tàu Nhật trong lúc Thủ tướng Shinzo Abe đang thăm Tehran. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói mục tiêu của Tehran là gây ra tình trạng bất ổn, từ đó khiến giá dầu tăng cao. Một diễn biến như thế có thể thúc đẩy những quốc gia đang dựa vào nguồn cung dầu từ Trung Đông, như Nhật Bản ép chính quyền ông Trump nới lỏng trừng phạt Iran.
Bình luận (0)