Trước đó, Bình Nhưỡng tuyên bố đã “phóng thành công” tên lửa tầm trung và xa Pukguksong-2 trong vụ thử có sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 12-2.
Hãng thông tấn KCNA gọi tên lửa trên là “hệ thống vũ khí chiến lược mới kiểu Triều Tiên”, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Cũng theo KCNA, tên lửa Pukguksong-2 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn và là phiên bản nâng cấp, mở rộng tầm bắn của loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được thử nghiệm thành công vào tháng 8-2016.
Một số nhà phân tích nhận định việc Bình Nhưỡng theo đuổi tên lửa nhiên liệu rắn lớn là diễn biến “rất đáng lo ngại”. “Không dễ để làm cho động cơ nhiên liệu rắn cỡ lớn hoạt động chính xác nên đây quả thật là một bước tiến đáng kể của Triều Tiên” - chuyên gia Jonathan McDowell của Trung tâm Vật lý học thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) nhận định với Reuters. Ngoài việc cải thiện tốc độ phóng, động cơ nhiên liệu rắn còn giúp tăng sức mạnh và tầm bắn của tên lửa đạn đạo.
Vụ phóng trên được xem là hành động thách thức tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, người cam kết có lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên khi còn vận động tranh cử. Dù vậy, phản ứng công khai không mấy mạnh mẽ của ông Trump phần nào cho thấy nhà lãnh đạo này hiện không có nhiều lựa chọn khả dĩ để kiềm chế chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
Theo một quan chức Mỹ, Nhà Trắng đang cân nhắc những biện pháp như tăng cường trừng phạt; tăng cường lực lượng hải quân, không quân ở trên và quanh bán đảo Triều Tiên; đẩy nhanh lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc...
Dù vậy, những lựa chọn này xem ra không khác gì mấy những chính sách được áp dụng trong thời người tiền nhiệm Barack Obama. Ngay cả ý tưởng tăng cường sức ép để Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên cũng được các chính quyền Mỹ trước đó dùng tới nhưng không mấy hiệu quả.
Trong nỗ lực trấn an dư luận, ông Stephen Miller, cố vấn chính sách cao cấp của Tổng thống Trump, hôm 12-2 cam kết Washington sẽ củng cố các mối quan hệ liên minh quan trọng ở vùng Thái Bình Dương. Cố vấn này nói thêm ông Trump sẽ yêu cầu quốc hội tăng ngân sách quốc phòng.
Theo trang Defense One, Washington đang tìm kiếm giải pháp ngăn chặn Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo (ICBM) có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ. Một lựa chọn là đưa máy bay ném bom hoặc chiến đấu cơ không kích tên lửa trước khi nó được phóng. Bên cạnh đó, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ còn nghiên cứu việc bắn laser từ máy bay không người lái để phá hủy tên lửa tại bệ phóng.
Tuy nhiên, hành động tấn công trực diện này có nguy cơ dẫn đến một vụ tấn công rốc két trả đũa của Bình Nhưỡng nhằm vào Seoul. Trong trường hợp ICBM rời bệ phóng, Mỹ có thể bảo vệ phần lãnh thổ lục địa bằng 30 tên lửa đánh chặn trên mặt đất tại 2 bang California và Alaska.
Bình luận (0)