Giới chức Hàn Quốc và Mỹ xác nhận Triều Tiên ngày 12-2 đã tiến hành vụ thử tên lửa đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng. AP nhận định vụ thử là hành động thách thức ông Trump cũng như Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sau khi 2 nhà lãnh đạo này kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và không có thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào.
“Sự khiêu khích rõ ràng”
Một nguồn tin thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hãng tin CNN biết tên lửa sau khi được phóng từ tỉnh Bắc Pyongan - Triều Tiên đã bay khoảng 500 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông).
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho rằng đây là tên lửa Rodong hoặc một phiên bản đã được sửa đổi, đồng thời bác bỏ khả năng đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), căn cứ vào khoảng cách bay của nó. Một quan chức Mỹ cao cấp cũng nhận định Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung. Theo đại úy Cody Chiles, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, các hệ thống của Mỹ đã theo dõi tên lửa này từ lúc phóng cho đến khi nó rơi xuống biển.
Vụ thử lập tức vấp phải phản ứng mạnh từ Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đang ở thăm Mỹ. Tại cuộc họp báo ngắn ở bang Florida (giờ địa phương), ông Abe gọi vụ phóng tên lửa là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và kêu gọi Triều Tiên tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trong khi đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh “Mỹ ủng hộ Nhật Bản, đồng minh chủ chốt của mình, 100%”.
Trong khi đó, tại cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc ngày 12-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cho June-Hyuck lên án vụ thử tên lửa là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ, là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế. Ông Jin cho biết Seoul đã quyết định sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ động thái này của Triều Tiên.
“Chính phủ Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế đang hợp tác với nhau để có những hành động trừng phạt thích đáng đối với vụ thử này” - quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tuyên bố.
Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, gọi vụ thử tên lửa là sự khiêu khích rõ ràng đối với Nhật và khu vực. Ông Suga cho biết Tokyo đã gửi công điện phản đối Triều Tiên thông qua sứ quán của mình ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Chưa hết, theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí hợp tác chặt chẽ cả song phương lẫn đa phương với Mỹ và LHQ để xử trí vụ thử.
Tránh leo thang căng thẳng
Vụ phóng tên lửa được xem là phép thử đầu tiên đối với Tổng thống Trump, người cam kết sẽ cứng rắn với chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, chính quyền mới của Mỹ tỏ ý cho biết họ sẽ có phản ứng sao cho vừa chứng tỏ sự cứng rắn vừa tránh leo thang căng thẳng.
“Vụ thử không có gì đáng ngạc nhiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đôi khi thích gây chú ý kiểu như vậy” - một quan chức Mỹ giấu tên nhận định. Nhân vật này cho rằng tên lửa được phóng không phải là loại ICBM và Bình Nhưỡng chưa tiến hành thêm vụ thử hạt nhân nào. Vì thế, bất kỳ phản ứng nào của Mỹ đều khiến mọi chuyện thêm xấu đi.
Trước mắt, ông Trump và các cố vấn nhiều khả năng sẽ cân nhắc một loạt biện pháp đáp trả phù hợp, như tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng; triển khai thêm lực lượng hải quân, không quân bên trong và chung quanh bán đảo Triều Tiên; đẩy nhanh việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc…
Ngoài ra, Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ thúc ép Trung Quốc tăng cường kiềm chế Triều Tiên, qua đó phản ánh quan điểm của ông Trump rằng Bắc Kinh vẫn chưa làm hết sức trong quá trình tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này. Theo Reuters, Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng gì với vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Nhiều thông điệp
Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên ngày 12-2 khiến danh sách những thách thức mà ông Trump đối mặt thêm dài kể từ khi nhậm chức hơn 3 tuần trước.
Theo một số nhà phân tích, việc Bình Nhưỡng chọn tên lửa đạn đạo tầm trung, không phải tầm xa, để thử là có lý do. Ông Bong Young-shik, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc), chỉ ra rằng Triều Tiên không muốn đóng sập cánh cửa hoàn toàn với chính quyền ông Trump. Thay vào đó, họ tìm cách phát đi thông điệp cảnh báo sớm rằng Washington tốt hơn nên từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng - một lý do được Triều Tiên sử dụng lâu nay để bảo vệ chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của mình.
Thời điểm diễn ra vụ phóng - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thăm Mỹ và vừa cùng ông Trump đưa ra cảnh báo nhằm vào Bình Nhưỡng - cũng đáng chú ý. Ông Hajime Izumi, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc tế Tokyo (Nhật Bản), nhận định với tờ Financial Times (Anh) rằng Triều Tiên muốn tìm hiểu xem ông Trump sẽ phản ứng mạnh đến đâu và Mỹ - Nhật sẽ có bước đi đáp trả cụ thể nào bên cạnh những phát biểu lên án. Theo đài CNN, vụ thử cũng nhằm gửi thông điệp rõ ràng đến Thủ tướng Abe rằng nhà lãnh đạo Nhật này nên suy nghĩ kỹ trước khi trở nên quá thân thiết với tổng thống mới của Mỹ.
Theo ông Bong, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ âm thầm hoan nghênh vụ thử vì nó nhắc nhở ông Trump về sự cần thiết phải hợp tác với Bắc Kinh để kiềm chế Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vụ thử cũng đe dọa làm gia tăng bất đồng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc xung quanh kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Cả Hàn Quốc và Mỹ đều khẳng định THAAD được sử dụng để đối phó mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lo ngại hệ thống này sẽ làm suy giảm năng lực răn đe hạt nhân và giúp Mỹ do thám nước này.
“Phe bảo thủ (ở Hàn Quốc) sẽ sử dụng vụ thử tên lửa để nhắc nhở về tầm quan trọng của hệ thống lá chắn tên lửa (THAAD)” - ông Bong nhấn mạnh.
Hoàng Phương
Bình luận (0)