Với lời hứa sẽ tạo ra việc làm và tăng mức độ cạnh tranh của Mỹ, dự luật trên chính là một trong hai "cột trụ" của chương trình nghị sự trong nước của ông chủ Nhà Trắng.
Theo đài CNN, dự luật dự kiến chi 550 tỉ USD vào các khoản đầu tư liên bang mới trong lĩnh vực hạ tầng ở Mỹ trong 5 năm tới, bao gồm tiền xây đường bộ, cầu, đường sắt, sân bay, cảng biển… Ngoài ra, còn có 65 tỉ USD nâng cấp hạ tầng băng thông rộng, hàng chục tỉ USD cải tiến lưới điện, hệ thống nước, 7,5 tỉ USD xây dựng mạng lưới trạm sạc xe điện…
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) đến Hạ viện cung cấp thông tin về hai dự luật chi tiêu “khủng” vào ngày 28-10-2021 Ảnh: REUTERS
Dự luật Hạ tầng đã qua cửa Thượng viện từ hồi tháng 8 năm nay nhưng sau đó kẹt lại tại Hạ viện do phía Đảng Dân chủ muốn thương lượng đồng thời về một gói chi tiêu "khủng" khác mang tên "Build Back Better Act" (tạm dịch: Đạo luật Xây dựng lại tốt hơn).
Trị giá 1.750 tỉ USD và là "cột trụ" còn lại kể trên, dự luật này dự kiến mở rộng mạng lưới an sinh xã hội của Mỹ lên mức lớn nhất kể từ những năm 1960. Bên cạnh các điều khoản về chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, y tế, giá thuốc theo toa và nhập cư, dự luật cũng bao gồm các chương trình chống biến đổi khí hậu, theo Reuters.
Đảng Dân chủ sẽ gặp không ít khó khăn với dự luật thứ hai này, bởi nội bộ của họ chưa thuận, trong khi các thành viên Đảng Cộng hòa đồng loạt phản đối với lý do ảnh hưởng nặng nề đến giới doanh nghiệp.
Tình hình càng gay cấn hơn sau khi Đảng Dân chủ vừa thua cuộc trong cuộc bầu cử thống đốc bang Virginia mới đây, dẫn đến lo ngại họ sẽ mất thế kiểm soát mong manh tại quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2022. Chưa hết, quốc hội Mỹ còn đối mặt nguy cơ kép - gồm đóng cửa chính phủ và vỡ nợ - vào ngày 3-12 tới.
Bình luận (0)