Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) đã mở đầu cho chuỗi 10 ngày đầy biến động đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu mà đỉnh điểm là Ngân hàng UBS tiếp quản Credit Suisse (Thụy Sĩ) với thương vụ trị giá 3,25 tỉ USD hôm 19-3.
Tại Mỹ, việc Ngân hàng First Republic tiếp tục chật vật hôm 21-3 trong nỗ lực bảo đảm được rót vốn đang làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng của nền kinh tế lớn số 1 thế giới.
Ba nguồn thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng Ngân hàng First Republic đang xem xét các cách thức thu hẹp quy mô nếu nỗ lực huy động vốn mới thất bại. Ngân hàng JPMorgan Chase đang giúp ngân hàng này tìm các nguồn vốn mới sau khi 30 tỉ USD hỗ trợ từ các ngân hàng lớn cũng không ngăn được nguy cơ ngân hàng này sụp đổ.
Trong bối cảnh thị trường hỗn loạn, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 22-3 đã gây tranh cãi về việc liệu có nên tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất để ổn định hệ thống tài chính hay không.
Chi nhánh Ngân hàng First Republic ở TP New York - Mỹ Ảnh: REUTERS
Việc FED liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát được cho là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một số nhà phân tích cho rằng FED nên tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % lên phạm vi 4,75%-5% để duy trì uy tín của mình trong cuộc chiến chống lạm phát.
Trong khi đó, ông William Dudley, cựu Chủ tịch FED Chi nhánh New York, cho biết ông ủng hộ việc FED ngừng tăng lãi suất để không gây hại cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng FED ngừng tăng lãi suất có thể làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn của hệ thống ngân hàng.
Đưa ra tuyên bố trấn an, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 21-3 cho biết Mỹ sẵn sàng can thiệp để bảo vệ người gửi tiền tại các ngân hàng nhỏ của Mỹ trong bối cảnh các ngân hàng này đối mặt với làn sóng rút tiền ồ ạt.
Bà Yellen nhấn mạnh hệ thống ngân hàng Mỹ đang ổn định sau loạt hành động mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý. Theo hãng tin Reuters, bà Yellen tin rằng các hành động của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), FED và Bộ Tài chính đã làm giảm nguy cơ sụp đổ ngân hàng lan rộng.
Phát biểu tại hội nghị Hiệp hội Ngân hàng Mỹ ở Washington, bà Yellen cho rằng những rắc rối hiện nay khác biệt đáng kể so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước, đó là vấn đề về khả năng thanh khoản.
Trong khi đó, thương vụ sáp nhập UBS và Credit Suisse tại Thụy Sĩ lại gây ra làn sóng bất an mới. Một số trái chủ của Credit Suisse cho biết họ đang cân nhắc các động thái pháp lý sau khi 17 tỉ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của ngân hàng bị xóa sổ, khoản đầu tư bị mất trắng sau thỏa thuận mua lại Credit Suisse của UBS.
Cơ quan Quản lý Thị trường tài chính của Thụy Sĩ (FINMA) cho biết sau khi UBS mua lại Credit Suisse, hàng tỉ USD trái phiếu của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ sẽ trở nên vô giá trị.
Hôm 20-3, Công ty luật Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan (Mỹ) cho biết đã tập hợp một nhóm luật sư từ Thụy Sĩ, Anh và Mỹ sau vụ giải cứu Credit Suisse. Thông thường, trong các trường hợp ngân hàng phá sản, trái chủ AT1 sẽ được ưu tiên hơn các cổ đông nắm giữ cổ phần công ty.
Chính vì vậy, quyết định xóa sổ AT1 của giới chức Thụy Sĩ bị chỉ trích là gây tổn hại niềm tin vào loại tài sản này và có thể tạo ra hiệu ứng lan rộng toàn cầu.
Ngân hàng này đã làm mất niềm tin của các nhà đầu tư và người gửi tiền trong 2 tuần qua, dẫn đến giá cổ phiếu rơi tự do và dòng tài sản ròng ồ ạt chảy ra ngoài. FINMA đầu tuần này cảnh báo Credit Suisse có nguy cơ mất thanh khoản, ngay cả khi không vỡ nợ.
Bình luận (0)