Triều Tiên hôm 10-8 tuyên bố đang lên kế hoạch phóng 4 tên lửa tầm trung tới đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương để "dạy Tổng thống Donald Trump một bài học".
Mũi tên nhằm 2 đích
Nếu Triều Tiên thực hiện được kế hoạch đầy đe dọa trên, đây sẽ là lần đầu tiên một tên lửa nước này "hạ cánh" gần lãnh thổ Mỹ. Theo lời Tướng Kim Rak Gyom, Chỉ huy Lực lượng Chiến lược của Quân đội Triều Tiên, 4 tên lửa Hwasong-12 sẽ vượt qua bầu trời các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản trước khi tới vùng biển cách bờ biển đảo Guam 30-40 km.
Theo báo The New York Times, lời đe dọa ngoài nhằm vào Washington còn thách thức thêm Tokyo. Một số tên lửa Triều Tiên phóng trong những tháng gần đây rơi vào vùng biển gần Nhật Bản nhưng chưa có lần nào thực sự bay qua nước này.
Tuy nhiên, Tokyo có vẻ không định "ngồi nhìn" những tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên vượt quãng đường 3.356,7 km trong 1.065 giây để tới lãnh thổ Mỹ - như kế hoạch chi tiết được Tướng Kim công bố. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cùng ngày cảnh báo nước này có thể đánh chặn một cách hợp pháp tên lửa hướng về đảo Guam nếu nó trở thành mối đe dọa đối với Nhật.
Có điều, theo giới chuyên gia, Tokyo hiện chưa đủ khả năng bắn hạ một tên lửa bay qua lãnh thổ mình hướng tới Guam.
Không thua kém, theo trang NBC News (Mỹ), Lầu Năm Góc đã chuẩn bị sẵn kế hoạch cụ thể nhằm tấn công phủ đầu các cơ sở tên lửa Triều Tiên và chỉ còn chờ ông Donald Trump gật đầu là được thực thi. Điểm then chốt của kế hoạch là các máy bay ném bom hạng nặng B-1B xuất kích từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, NBC News dẫn lời 2 quan chức quân sự Mỹ cấp cao và 2 sĩ quan cấp cao đã nghỉ hưu. Hiện 6 chiếc B-1B đang "cắm" tại hòn đảo cách Triều Tiên gần 3.380 km.
Theo Không quân Mỹ, phi đội máy bay này vốn đã được "thử lửa" suốt 16 năm qua ở Afghanistan và Iraq, giờ đã được hiện đại hóa và tăng cường gấp đôi năng lực. Các nguồn tin quân sự tiết lộ chúng sẽ nhắm vào mục tiêu hơn 20 bãi phóng tên lửa, cơ sở hỗ trợ, bãi thử của Triều Tiên.
Hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 được triển khai tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo hôm 10-8 Ảnh: Reuters
Đánh chặn ra sao?
Các cặp máy bay B-1B đã 11 lần luyện tập nhiệm vụ tương tự kể từ cuối tháng 5 và đợt gần nhất diễn ra hôm 7-8. Trong nhiệm vụ thực tế, máy bay ném bom phi hạt nhân sẽ được các vệ tinh, thiết bị bay điều khiển từ xa hỗ trợ, cùng các chiến đấu cơ cũng như máy bay tiếp dầu trên không, máy bay tác chiến điện tử.
Ngoài sự hiện diện dày đặc của máy bay B-1B, các đợt triển khai máy bay B-52 từ Guam trên bầu trời bán đảo Triều Tiên trong những tháng gần đây cũng khiến Bình Nhưỡng phản đối gay gắt và xem đây là sự tập luyện cho một vụ tấn công hạt nhân. Bình Nhưỡng khẳng định các tên lửa Hwasong-12 của nước này đã được thiết kế để chặn đứng một cuộc tấn công như vậy từ căn cứ của Mỹ ở Guam. Tuy nhiên, kế hoạch tấn công phủ đầu trên vấp phải không ít tranh cãi vì khả năng châm ngòi một cuộc trả đũa khốc liệt của Bình Nhưỡng trút vào Hàn Quốc.
Bắn hạ tên lửa của Triều Tiên ở vùng biển quốc tế cũng là một lựa chọn quân sự của chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo ông Cheon Seong-whun - chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul. Theo chuyên gia cấp cao Adam Mount tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, quân đội Mỹ có thể sử dụng hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đặt trên đảo Guam hoặc hệ thống Aegis trên tàu khu trục để ngăn chặn tên lửa Triều Tiên.
THAAD được xem là một trong những vũ khí chính để đối phó với tên lửa nhưng giới phân tích cảnh báo đối với một hệ thống thực nghiệm, không có gì bảo đảm "trăm phát trăm trúng". Đó là chưa kể không phải ngẫu nhiên mà Triều Tiên dọa bắn 4 tên lửa. "Chỉ cần một tên lửa lọt qua được hệ thống phòng thủ của Mỹ, đó đã là thành công lớn cho Triều Tiên" - ông Adam Mount đánh giá.
Ngoài kế hoạch B-1B, theo các chuyên gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn 2 lựa chọn: Một là tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện chống lại Triều Tiên với sự tham gia của không quân, hải quân và cả tấn công mạng; hai là mở cuộc tấn công hạt nhân. Với lựa chọn đầu tiên, Mỹ có thể mất vài tháng để chuẩn bị, theo Tướng lục quân Mỹ về hưu Mark Hertling, bao gồm sơ tán hàng chục ngàn công dân Mỹ đang sinh sống ở Hàn Quốc, triển khai thêm tàu chiến, tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình cộng với máy bay ném bom.
Tấn công hạt nhân vào Triều Tiên là lựa chọn đơn giản nhất và nhanh nhất. Cựu viên chức trong bộ phận phóng tên lửa Minuteman, ông Bruce G. Blair, khẳng định sẽ chỉ mất không đến 5 phút kể từ khi Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ Donald Trump ra lệnh phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ hầm phóng silo đánh vào các mục tiêu ở Triều Tiên.
Còn nếu phóng tên lửa từ tàu ngầm sẽ mất khoảng 15 phút. Tuy nhiên, nó sẽ gây ra hậu quả thảm khốc đối với bán đảo Triều Tiên, làm chết hàng chục triệu người và ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Khó có chiến tranh?
Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang thiếu kênh thông tin để ngăn khủng hoảng leo thang, các chuyên gia lo ngại một tai nạn, tuyên bố sai hoặc bị hiểu nhầm có thể dẫn đến xung đột toàn diện dù không bên nào muốn chiến tranh xảy ra. "Chúng ta có một số phương thức giao tiếp đặc biệt với Triều Tiên nhưng không có gì chống lại được áp lực của các cuộc khủng hoảng" - ông Jon Wolfsthal, cố vấn cấp cao về hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định.
Hai nước hiện không có quan hệ ngoại giao và duy trì liên lạc thông qua đại diện ở Liên Hiệp Quốc, đại sứ quán của họ ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc và các cuộc gặp giữa sĩ quan quân đội ở làng Bàn Môn Điếm nằm trong khu phi quân sự ở biên giới liên Triều. Ngoài ra, Washington có thể chuyển thông điệp đến Bình Nhưỡng thông qua Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên, hoặc Thụy Điển, đại diện lợi ích của Mỹ ở Bình Nhưỡng.
Khi cần, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn có quyền phát động cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên với tư cách là tổng tư lệnh quân đội. Theo đài CNN, Hiến pháp Mỹ trao cho quốc hội quyền tuyên chiến nhưng cơ quan này lại ít có khả năng cản được Tổng thống Donald Trump nếu ông quyết tâm tấn công Triều Tiên. Quốc hội có thể thông qua dự luật cấm sử dụng vũ lực hoặc ngăn cấp ngân sách cho hành động quân sự ở Triều Tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, chính quyền ông Donald Trump vẫn có quyền hành động trong vòng ít nhất 60 ngày nếu cho rằng nước Mỹ đang bị đe doạ.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng nguy cơ chiến tranh Mỹ - Triều Tiên chưa đến mức nghiêm trọng. Trước hết, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. Chính quyền Bình Nhưỡng muốn sống còn và một cuộc chiến với Mỹ sẽ gây nguy hiểm cho mục tiêu này. Ngược lại, Mỹ thừa biết một cuộc tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến hành động trả đũa nhằm vào 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, gây ra nhiều thương vong, trong đó có binh sĩ và dân thường Mỹ. Thêm vào đó, Washington không muốn mạo hiểm trước kịch bản tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hướng đến lục địa Mỹ. Vì thế, ông Tyler White, chuyên gia tại Trường ĐH Nebraska-Lincoln (Mỹ), nhận định những tuyên bố cứng rắn của ông Donald Trump là bước đi nhằm buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán.
Bình luận (0)