Trong dấu hiệu báo trước cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung Quốc sắp tới sẽ vấp phải không ít khó khăn, Bắc Kinh đã hủy cuộc đàm phán thương mại dự kiến diễn ra ở Washington trong tuần này sau cuộc khẩu chiến tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea cuối tuần rồi.
Khó có đột phá
Tờ South China Morning Post tiết lộ một phái đoàn Trung Quốc hôm 18-11 tiếp tục hủy kế hoạch đến Mỹ sau Lễ Tạ ơn (ngày 22-11). Trước đó không lâu, chính phái đoàn trên cũng có bước đi tương tự, khiến một số nhà phân tích dự báo khả năng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đặt chân đến Mỹ trong những ngày tới là rất thấp.
Khi được hỏi về động thái trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 19-11 không trả lời trực tiếp mà chỉ nói các nhóm kinh tế của 2 nước vẫn duy trì tiếp xúc chặt chẽ theo sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump 2 tuần trước. Tuy nhiên, ông Cảnh không cung cấp thông tin về bất kỳ sự kiện nào có liên quan đến cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập và ông Trump bên lề Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina vào cuối tháng này.
Cuộc gặp trên diễn ra không lâu trước khi mức thuế Mỹ đánh vào hàng nhập khẩu Trung Quốc dự kiến tăng lên 25% từ ngày 1-1-2019. Dù vậy, cơ hội để 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đạt được đột phá không nhiều bởi không bên nào cho thấy sự nhượng bộ cần thiết. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC, ông Tập Cận Bình một lần nữa lên án chiến lược thương mại "được ăn cả, ngã về không" của Washington và kêu gọi giải quyết bất đồng giữa 2 nước thông qua tham vấn.
Đáp lại, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Bắc Kinh rằng ông Donald Trump không vội vàng khép lại cuộc chiến thương mại được phát động vào đầu năm nay và sẵn sàng "tăng hơn gấp đôi" mức thuế đã áp lên 250 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa trái) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (bìa phải) tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Papua New Guinea hôm 18-11. Ảnh: AP
Hai thách thức lớn
Theo tờ South China Morning Post, mâu thuẫn gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ khiến Hội nghị Cấp cao APEC lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung trong 25 năm hoạt động của diễn đàn mà còn đe dọa phủ bóng lên các cuộc đàm phán thương mại sắp tới.
Trong tuyên bố cuối ngày 19-11, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng kết cục này xuất phát từ "một số nền kinh tế kiên quyết áp đặt luận điểm riêng lên các bên khác, biện minh cho chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, không chấp nhận những sửa đổi thích hợp của Trung Quốc và các nước khác". Reuters nhận định dù không nêu đích danh, tuyên bố này dường như ám chỉ Mỹ.
Giới quan sát nhận định với tờ South China Morning Post rằng những gì diễn ra tại Papua New Guinea phản ánh cuộc đối đầu địa chính trị Mỹ - Trung ngày một căng thẳng, đồng thời dự báo Washington sẽ tìm cách tăng sức ép tối đa lên Bắc Kinh trước thềm cuộc gặp tại Argentina. Ông Liu Weidong, chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh là bên chịu áp lực lớn hơn trong cuộc chiến thương mại hiện nay.
Theo chuyên gia này, Bắc Kinh có thể phải làm điều gì đó về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giảm thuế nhập khẩu để chấm dứt chiến tranh thương mại. Trong khi đó, ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhận định vẫn còn hy vọng về một "thỏa thuận ngừng bắn" nhưng điều này phụ thuộc vào nội dung đòi hỏi của Washington.
Khả năng 2 nước tìm được tiếng nói chung về thương mại còn gặp khó bởi những bất đồng khác. Ông Patrick Murphy, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, hôm 19-11 tuyên bố Washington muốn duy trì tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Trung Quốc bất chấp cuộc chiến thương mại nhưng sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh trong 2 vấn đề biển Đông và Đài Loan. Theo ông Murphy, đây là những thách thức lớn nhất đang cản trở quan hệ Mỹ - Trung hiện nay và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính vì làm phức tạp hóa và gia tăng mức độ nghiêm trọng của chúng.
Trước đó vài ngày, Đô đốc Philip S.Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, cáo buộc Trung Quốc xây "Vạn lý Trường thành tên lửa" ở biển Đông thông qua việc triển khai tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo xây phi pháp.
Dân Philippines hoài nghi về Trung Quốc
Giữa lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Philippines ngày 20 và 21-11, tổ chức thăm dò dư luận Social Weather Stations (SWS) của nước chủ nhà công bố khảo sát cho thấy phần lớn người dân Philippines vẫn không tin tưởng Bắc Kinh, dù cho Tổng thống Rodrigo Duterte trải thảm đỏ đón đồng minh mới.
Theo khảo sát được SWS thực hiện từ ngày 15 đến 23-9 nhưng nay mới công bố, Trung Quốc bị chấm điểm "liệt" -16 về lòng tin của người Philippines trong khi Mỹ được đánh giá rất cao với +59 điểm và Nhật Bản +28 điểm. Trong số 1.200 người tham gia khảo sát, 84% phản đối chính sách của chính phủ Philippines với những hành động xâm phạm của Trung Quốc ở vùng biển phía Tây nước này. Theo hãng thông tấn AP, hôm 20-11, hơn 300 người biểu tình mang những tấm áp phích viết "Philippines không phải để bán" và "Đừng động vào đất và biển của chúng tôi" tuần hành trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila.
Trong khi đó, trước thềm chuyến công du, ông Tập tuyên bố: "Mối quan hệ của chúng ta bây giờ được xem là cầu vồng sau mưa", trong đó đề cập đến điều mà Trung Quốc gọi là "đảo chiều" trong quan hệ Trung Quốc - Philippines sau khi ông Duterte nhậm chức tháng 6-2016. Tuy nhiên, chính sách của vị tổng thống 73 tuổi không ngừng bị những người theo chủ nghĩa dân tộc lên án là "mềm yếu" trước các hoạt động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông.
Khi được hỏi về kết quả khảo sát đáng chú ý của SWS, người phát ngôn tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, khẳng định chiến lược của ông Duterte là tránh xung đột thảm khốc trong khi tận dụng lợi ích kinh tế. Thừa nhận những lợi ích mong đợi - bao gồm các khoản vay và đầu tư trị giá 24 tỉ USD từ Trung Quốc - vẫn chưa được hiện thực hóa, ông Panelo nhấn mạnh Tổng thống Duterte sẽ không ngại mở lời về vấn đề này trong chuyến thăm của ông Tập. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc "mở van" đầu tư thì nhiều chuyên gia cũng cảnh báo chính quyền ông Duterte về "bẫy nợ".
Hai quan chức Philippines ngày 20-11 nói với AP rằng trong chuyến thăm đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc tới Philippines trong 13 năm qua này, chính quyền của ông Duterte sẽ chưa gật đầu ngay với đề xuất thăm dò dầu khí ở các vùng biển tranh chấp nhưng có thể ký một thỏa thuận để "tìm hiểu hợp tác hàng hải" và thành lập một ủy ban và nhóm công tác để đẩy nhanh đàm phán tiến tới quyết định cùng săn tìm các mỏ nhiên liệu dưới biển.
Thu Hằng
Bình luận (0)