Các cuộc diễn tập hải quân của cả Mỹ và Trung Quốc đang khiến biển Đông dậy sóng giữa lúc căng thẳng gia tăng về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Theo trang The Drive, hình ảnh chụp từ vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Không gian châu Âu cho thấy một lượng tàu quân sự đông khác thường hiện diện tại biển Đông hôm 10-4 sau khi có thông tin Bắc Kinh đưa tàu sân bay Liêu Ninh đến đó.
Số lượng tàu tăng lên không chỉ do hoạt động tập trận của Hải quân Trung Quốc. Theo Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt (TRCSG) và nhóm tàu đổ bộ Makin Island cũng có mặt ở biển Đông để tiến hành các hoạt động diễn tập chung từ ngày 9-4. TRCSG gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và USS Russell. Nhóm tàu đổ bộ Makin Island gồm tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island, 2 tàu vận chuyển đổ bộ USS Somer-set và USS San Diego.
Hình ảnh đăng trên tài khoản Twitter của Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ hôm 11-4 về hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt và nhóm tàu đổ bộ Makin Island ở biển Đông Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Giới phân tích cho rằng thông qua bước đi trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn phát đi tín hiệu đến các đồng minh, đối tác và cả Trung Quốc rằng Washington cam kết duy trì hiện diện quân sự ở khu vực để làm đối trọng với Bắc Kinh.
Ông Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định với tờ South China Morning Post (Hồng Kông) rằng đây không phải là lần đầu tiên một nhóm tàu đổ bộ Mỹ đi qua biển Đông nhưng hoạt động lần này của nhóm tàu đổ bộ Makin Island thu hút nhiều chú ý bởi tình hình biển Đông lúc này. Theo ông Koh, sự hiện diện của 2 nhóm tàu chiến nói trên nhằm nêu bật cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực.
Cam kết của Washington còn đến từ động thái của các quan chức cấp cao chính quyền ông Biden. Trong cuộc điện đàm hôm 8-4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin đã bày tỏ lo ngại về sự hiện diện trái phép của tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gần đây.
Ba ngày sau đó, đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana điện đàm về tình hình biển Đông, trong đó có vụ việc nói trên.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết ông Austin đã đề xuất với ông Lorenzana một số biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có "tăng cường nhận thức tình huống về các mối đe dọa ở biển Đông".
Tuy nhiên, ông Kirby không đề cập chi tiết về những biện pháp này. Thay vào đó, ông Austin tái khẳng định tầm quan trọng của Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) song phương và nhắc lại cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên luật pháp, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Trong khi đó, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Philippines, hai ông Lorenzana và Austin bày tỏ hy vọng cuộc tập trận chung "Balikatan" sẽ được nối lại sau khi bị hủy vào năm ngoái. Ngoài ra, ông Lorenzana cam kết sẽ thảo luận với Tổng thống Rodrigo Duterte về VFA.
Hồi tháng 2 qua, ông Duterte cho biết vẫn chưa quyết định về tương lai thỏa thuận có hiệu lực từ năm 1999 nói trên, được xem là khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines.
Theo sau cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng Lorenzana và Austin, tướng Cirilito Sobejana, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, cho biết cuộc tập trận chung "Balikatan" sẽ diễn ra từ ngày 12-4 với quy mô nhỏ hơn các cuộc tập trận chung trước do tác động của dịch Covid-19. Theo ông Sobejana, 1.000 binh sĩ Philippines và 700 binh sĩ Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận dự kiến kéo dài 2 tuần này.
Bình luận (0)