Trong thông báo đưa ra ngày 6-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói những hình phạt trên nhắm vào các mục tiêu được lợi từ "hệ thống tham nhũng" của Nga. Ngoài ra, đây còn là động thái đáp trả nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ cũng như các hoạt động của Moscow tại bán đảo Crimea, miền Đông Ukraine và Syria.
Ngoài 7 nhà tài phiệt và 17 quan chức, 12 công ty thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt, một công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh và một ngân hàng cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt. Các cá nhân, công ty này sẽ bị đóng băng tài sản ở Mỹ và không được phép kinh doanh với người Mỹ.
Đây là động thái chống lại Nga cứng rắn nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã bị chỉ trích nhiều lần vì không có hành động quyết liệt đối với Nga sau một loạt các mâu thuẫn ngoại giao gợi nhớ lại thời kỳ chiến tranh lạnh.
Các biện pháp trừng phạt trên có thể khiến ông Trump thêm xa rời hy vọng có quan hệ tốt với Tổng thống Putin.
Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters
Gần đây, quan hệ giữa 2 bên đã đi xuống khi Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh và áp đặt lệnh trừng phạt lên một số người Nga vì có liên quan đến các vụ tấn công mạng.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự kiện trên. "Như tổng thống đã nói, ông ấy muốn có quan hệ tốt với Nga nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào một số hành động của họ" - phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói.
Nga lập tức tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt mới nói trên. "Dĩ nhiên chúng tôi sẽ không ngồi yên trước làn sóng này và bất kỳ cuộc tấn công mới nào mà sẽ có phản ứng gay gắt. Nhưng trước tiên chúng tôi muốn khuyên Washington nên loại bỏ ảo tưởng cho rằng chúng ta có thể đối thoại bằng cách trừng phạt" - trích thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.
Kirill Shamalov, con rể của ông Putin. Ảnh: Reuters
Các lệnh trừng phạt có thể gây thiệt hại kinh tế Nga, đặc biệt là lĩnh vực nhôm, tài chính và năng lượng. Đây cũng là một thông điệp rõ ràng gửi đến ông Putin và các cộng sự về sự bất mãn của Mỹ.
Một nhân vật đáng chú ý trong danh sách là ông Viktor Vekselberg, chủ sở hữu chính của tập đoàn Renova và xếp hạng 9 trong những người giàu nhất nước Nga theo thống kê của tạp chí Forbes.
Một người khác là ông Kirill Shamalov, một cổ đông của Công ty hóa dầu Sibur. Ông Shamalov kết hôn với cô Katerina, con gái út của ông Putin, vào năm 2013 nhưng một số thông tin chưa xác nhận cho biết họ đã ly hôn.
Bình luận (0)