Trong bài phát biểu trước các công nhân thép và người kinh doanh quy mô nhỏ tại TP Cleveland - Mỹ hôm 5-5, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ không phải chịu đựng thâm hụt thương mại đáng kể với Trung Quốc nữa.
Khác biệt lớn
Phái đoàn thương mại cấp cao Mỹ đã trở về nước sau cuộc họp với giới chức Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi cuối tuần rồi. Các vấn đề nổi lên trong cuộc đàm phán về thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã cho thấy khoảng cách bất đồng giữa hai bên càng nới rộng hơn một cách đáng lo ngại.
Phái đoàn cấp cao Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer; trong khi đại diện phía Trung Quốc có Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo báo Nikkei (Nhật Bản), trong cuộc đàm phán, đội ngũ của Tổng thống Trump muốn cắt giảm 200 tỉ USD thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong giai đoạn từ năm 2018-2020, tức gấp đôi so với kế hoạch trước đó. Năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào khoảng 380 tỉ USD.
Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh giảm thuế nhập khẩu đối với mọi hàng hóa của Mỹ xuống mức không cao hơn mức thuế Mỹ áp đặt cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh hạn chế các động thái trả đũa - như đề ra quy định kiểm soát chặt chẽ hơn và áp mức thuế cao hơn. Phái đoàn Mỹ còn hối thúc Bắc Kinh ngưng trợ cấp cho các ngành công nghiệp gắn liền với chiến lược "Made in China năm 2025" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Truyền thông Mỹ tiết lộ một quan chức của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng yêu cầu này là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Đáp lại, phía Bắc Kinh yêu cầu Washington nới lỏng hạn chế đối với các sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu của Trung Quốc như chất bán dẫn. Trung Quốc ước tính chỉ riêng điều này có thể giúp giảm thâm hụt thương mại hơn 30%. Bắc Kinh cũng đòi Mỹ mở cửa thị trường thiết bị hàng không đối với Trung Quốc bằng cách chấm dứt việc phân biệt đối xử trong quá trình kiểm tra an toàn. Bên cạnh đó, nền kinh tế thứ hai thế giới đề nghị giảm thuế 25% đối với mặt hàng ôtô nếu Mỹ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu, song song đó yêu cầu Mỹ công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường trong Tổ chức Thương mại thế giới - động thái khiến việc duy trì thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 2 từ trái qua) và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (thứ 3) rời khỏi khách sạn tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc sau cuộc đàm phán hôm 4-5 Ảnh: AP
Không rõ mục tiêu
Theo trang Los Angeles Times (Mỹ), cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc cuối tuần qua khép lại với nỗi lo khoảng cách bất đồng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đặt ra mối đe dọa về cuộc chiến thương mại thực sự. Nhà Trắng trước đó không tổ chức họp báo đưa tin về chuyến đi của phái đoàn cấp cao Mỹ và các quan chức rời khỏi Bắc Kinh một cách lặng lẽ.
Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) cho rằng các cuộc thương lượng giữa hai bên mang tính xây dựng, thẳng thắn và hiệu quả nhưng vẫn tồn tại những bất đồng lớn. Phản ứng hậu thương thảo của 2 nước cho thấy Mỹ và Trung Quốc không muốn gia tăng căng thẳng nhưng cũng nhấn mạnh khác biệt lớn giữa 2 cường quốc kinh tế.
"Mỹ đề xuất một danh sách đòi hỏi mà Trung Quốc sẽ không bao giờ làm, trong khi Bắc Kinh cũng đưa ra một loạt đề nghị mà Washington không bao giờ thực hiện" - ông David Loevinger, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề Trung Quốc, kết luận. Cuộc đàm phán Mỹ - Trung vốn không được kỳ vọng sẽ đạt được đột phá hoặc diễn ra suôn sẻ nhưng hiện vẫn chưa rõ mục tiêu chính của Mỹ là gì - liệu có giúp giảm thâm hụt thương mại, nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn hoặc khiến Bắc Kinh thay đổi chính sách nhằm thống trị trong công nghệ chiến lược và các lĩnh vực có giá trị cao khác theo chương trình nghị sự "Made in China năm 2025" hay không.
Giới phân tích và doanh nhân đang hoài nghi liệu ông chủ Nhà Trắng có đẩy Trung Quốc đến bờ vực cuộc chiến thương mại nhưng không để điều đó xảy ra nhằm tránh làm tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và quan điểm chính trị của mình hay không.
Bình luận (0)