Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30-6, phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc tại Bắc Kinh (diễn ra từ ngày 5-7/6), Ngoại trưởng Kerry nói rõ rằng nếu Bắc Kinh đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển tranh chấp, Washington sẽ “buộc phải hành động”. Động thái này như là tín hiệu cho thấy Mỹ tăng cường kiềm chế Bắc Kinh, nhất là trước cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào đầu tháng 9 tại TP Hàng Châu – Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Kerry không nêu rõ các biện pháp đối phó. Hãng tin Kyodo dự báo có thể Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường chiến dịch vì tự do hàng hải và triển khai các đơn vị quân sự Mỹ ở biển Đông.
Ngoại trưởng Kerry nói rõ rằng nếu Bắc Kinh đơn phương lập ADIZ trên các vùng biển tranh chấp, Washington sẽ “buộc phải hành động”. Ảnh: UPI
Ngoại trưởng Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết ngày 12-7 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Khi đó, PCA sẽ ra phán quyết về tính hợp pháp của yêu sách “đường lưỡi bò” nuốt gần trọn biển Đông do Trung Quốc đơn phương áp đặt. Với yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích biển Đông, liên tục bồi lấp, xây dựng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa nơi này.
Nguồn tin dẫn lời ông Kerry cho biết thêm rằng cả thế giới đang chờ xem phản ứng của Bắc Kinh trước phán quyết của PCA. Nhiều chuyên gia tin rằng phán quyết sắp tới sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Trước giờ, Bắc Kinh liên tục rêu rao họ sẽ không chấp nhận phán quyết của PCA và khăng khăng đàm phán song phương với các nước có liên quan về vấn đề biển Đông hòng lấy lấy sức mạnh kinh tế để áp đảo.
Cũng tại các cuộc hội đàm ở Bắc Kinh, ông Kerry thể hiện sự không hài lòng trước việc Trung Quốc vận động hành lang một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để những nước đó không ủng hộ quá trình xét xử của PCA. “Chúng tôi biết việc các bạn đang làm. Đó là chia rẽ ASEAN” – một nguồn tin khác dẫn lời ông Kerry cho biết. Đáp trả nhận định từ phía ngoại trưởng Mỹ, một quan chức Trung Quốc bao biện: “Chúng tôi không bị Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ràng buộc”.
Hiện tại, Mỹ xem xét mở rộng các hoạt động giám sát của hải quân nước này ở biển Đông trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường xây dựng đảo và các tiền đồn quân sự trong khu vực này nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng. Washington cũng đang theo dõi chặt chẽ liệu Bắc Kinh có tiếp tục các hoạt động khiêu khích như đơn phương tuyên bố một ADIZ trên biển Đông và bồi lấp bãi cạn Scarborough (phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) đang tranh chấp với Philippines hay không.
Bình luận (0)