Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds hôm 28-7 đã thảo luận với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper trong Hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng Mỹ - Úc (AUSMIN) lần thứ 30 tại Mỹ. Nội dung cuộc thảo luận xoay quanh các mối quan tâm chung gồm biển Đông và dịch Covid-19 trong bối cảnh Mỹ và Úc có thái độ cứng rắn hơn đối với chính sách ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trước khi đến Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Reynolds đã đưa ra tuyên bố chung nhằm vào các "hành động cưỡng ép" của Trung Quốc ở biển Đông và việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông làm suy yếu các quyền tự do và tương lai của hàng triệu người.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc cho rằng các cuộc gặp mặt trực tiếp là rất cần thiết để giải quyết những thách thức chiến lược và nâng cao lợi ích chung trong một Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn, thịnh vượng và toàn diện. Chương trình nghị sự của AUSMIN là dấu hiệu cho thấy lập trường thống nhất và cứng rắn hơn của Mỹ và Úc đối với Trung Quốc khi quan hệ giữa Washington và Canberra với Bắc Kinh xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne tại Bộ Ngoại giao ở Washington - Mỹ hôm 27-7 Ảnh: Reuters
Hai bên cũng thảo luận về khả năng Hải quân Úc tăng cường tham gia cùng Hải quân Mỹ trong các hoạt động quân sự tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó bao gồm hợp tác cụ thể về hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông.
Một quan chức Mỹ nói với báo The Australian (Úc) Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Esper đang tìm cách để Mỹ có thể tăng cường hợp tác cụ thể với Úc về các hoạt động ở biển Đông. Ông Euan Graham, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - châu Á, nhận định: "Lo ngại về Trung Quốc là chủ đề liên kết giữa Mỹ và Úc. Đây có khả năng là hội nghị AUSMIN cuối cùng trước khi thay đổi chính quyền Mỹ, vì vậy Úc sẽ tìm cách duy trì sự liên tục trong khả năng có thể".
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), ông Ashley Townshend, Giám đốc chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Trường ĐH Sydney (Úc), cho rằng lập trường cứng rắn hơn của Úc đối với Trung Quốc vẫn sẽ khác so với chính sách của Mỹ.
Hội nghị AUSMIN diễn ra sau khi cả Úc và Mỹ đều đã lên tiếng bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Úc hôm 23-7 đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo công hàm trên, Úc phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với "chủ quyền lịch sử" hoặc "chủ quyền và lợi ích hàng hải" ở biển Đông.
Phản ứng đối với động thái của Úc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 27-7 ngang ngược cho rằng chủ quyền và quyền lợi hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông sẽ không bị thay đổi bởi những "cáo buộc phi lý" từ bất kỳ quốc gia nào. Người phát ngôn này nhấn mạnh: "Trung Quốc kiên quyết phản đối các bình luận của Úc đi ngược lại sự thật, vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế".
Căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc gia tăng trong tháng này khi 5 tàu chiến của Úc gồm HMAS Canberra, HMAS Hobart, HMAS Stuart, HMAS Arunta và HMAS Sirius đi qua khu vực tranh chấp trên biển Đông, gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thách thức Trung Quốc. Các tàu chiến này đã tham gia tập trận chung với tàu chiến Nhật Bản và Mỹ tại vùng biển Philippines hồi tuần trước.
Bình luận (0)