Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, các nghi can khủng bố cấp cao thường bị hạ sát hơn là bắt sống. Sulaiman Abu Ghaith, con rể trùm khủng bố Osama Bin Laden, người phát ngôn của Al Qaeda, là một trường hợp hiếm hoi khi y bị đưa vào nhà tù của Mỹ hồi tháng trước và đang chờ ngày ra tòa ở New York.
“Tôi nghe nói chính quyền Tổng thống Obama không biết vì lý do gì thích tiêu diệt các thành viên Al Qaeda hơn là bắt giữ họ. Quan điểm của chúng tôi là chỉ cần đến vũ khí giết người khi phương án bắt giữ đương sự đó không thể thực hiện được”. Đó là phát biểu của ông John O. Brennan, nay là giám đốc CIA, khi còn là cố vấn của ông Obama về chống khủng bố.
Sulaiman Abu Ghaith, nghi can khủng bố hiếm hoi bị Mỹ bắt sống. Ảnh: SABAY
Bất chấp sự phản đối của ông Brennan, hành vi giết chết các nghi can khủng bố - bắt đầu từ thời ông George W. Bush - đã định hình rõ nét trong những năm tháng ông Obama ở Nhà Trắng. Theo báo The New York Times, kể từ khi Tổng thống Obama nhậm chức, CIA và quân đội Mỹ đã giết chết khoảng 3.000 người trong các hoạt động chống khủng bố ở Pakistan, Yemen và Somalia, hầu hết bằng máy bay không người lái.
Chỉ một số ít nghi can khủng bố bị bắt giữ và đưa về nước này trong khi một số khác (không rõ bao nhiêu) bị các nước khác cầm tù. Mặc dù không được công khai thừa nhận, điều cốt lõi của vấn đề này là việc hạ sát thuận tiện hơn đối với cả Mỹ lẫn các nước khác, nơi xảy ra vụ tấn công bọn khủng bố.
Các vụ không kích bằng máy bay không người lái đang trở nên không được ưa chuộng ở các nước. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành, chỉ 17% người Pakistan ủng hộ việc sử dụng máy bay không người lái chống lại thủ lĩnh các tổ chức quá khích.
Trong khi đó, các nhà phê bình ở Mỹ đã công kích từ 2 hướng: Một số nghị sĩ Cộng hòa cáo buộc ông Obama đã tán thành việc ưu tiên hạ sát các nghi can khủng bố bởi ông đã đóng cửa các nhà tù của CIA ở nước ngoài và không muốn đưa thêm tù nhân đến vịnh Guantanamo.
Bên cạnh đó, những người ủng hộ nhân quyền cho rằng không kích bằng máy bay không người lái chẳng qua là hành động hành quyết không qua xét xử ở tòa đối với các phần tử nổi dậy mà các giới chức Mỹ thường không biết danh tính và ít khi đe dọa đến nước Mỹ.
Tuy nhiên, công chúng Mỹ vẫn còn ưa thích các cuộc không kích bằng máy bay không người lái. Trong cuộc thăm dò của Viện Gallup hồi tháng trước, 65% người Mỹ tán thành không kích để tiêu diệt các nghi can khủng bố nước ngoài; chỉ 28% phản đối.
Bình luận (0)