Phóng viên John Donnelly của báo CQ Roll Call hôm 2-2 tiết lộ Lầu Năm Góc đang thúc giục chính quyền tân Tổng thống Donald Trump xem xét lại kho vũ khí hạt nhân (VKHN) của Mỹ, tạo điều kiện cho nước này có thể theo đuổi một cuộc chiến tranh hạt nhân “hạn chế”.
Nâng cấp kho hạt nhân
Kho VKHN của Mỹ được xây dựng khi nước này chạy đua vũ trang với đối thủ siêu cường Liên Xô. Ủy ban Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính tổng chi phí cho các lực lượng hạt nhân đến hết năm 2024 là 348 tỉ USD, chưa bao gồm việc nâng cấp tốn kém. Không lực Mỹ ước tính chi phí xây dựng hệ thống vũ khí mới trên mặt đất là hơn 60 tỉ USD, gồm các loại tên lửa, hệ thống chỉ huy - kiểm soát và các trung tâm kiểm soát phóng.
Dân Mỹ phản đối việc nâng cấp vũ khí hạt nhân Ảnh: POPULAR RESISTANCE
Nguồn tin độc lập ước tính khoản chi phí để duy trì và hiện đại hóa kho VKHN của Mỹ ở mức 1.000 tỉ USD trong vòng 30 năm tới. Có thể nói, đó là vấn đề ngân sách lớn nhất của Lầu Năm Góc. Bộ Năng lượng Mỹ khẳng định cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều cam kết thực hiện cuộc nâng cấp và ngân sách dành cho việc này sẽ tăng đáng kể, đặc biệt là vào thập kỷ tới.
Máy bay ném bom tầm xa B-21 và loạt tàu thay thế 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Hải quân Mỹ là 2 hạng mục tốn kém nhất. B-21 có thể ném cả loại bom quy ước lẫn bom hạt nhân, trong khi tàu ngầm thay thế vừa nêu được xem là điều ưu tiên vì có thể chịu đựng được bất kỳ đợt tấn công trước nào của đối phương.
Các thành phần sẵn sàng sử dụng nhất trong kế hoạch hiện đại hóa vũ khí của Mỹ là loại vũ khí cân bằng tầm xa - tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp được phóng từ máy bay - và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới đặt trên mặt đất. Trước đây, 10 thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi cựu tổng thống Barack Obama hủy bỏ loại vũ khí này vì cho rằng không cần thiết, lại có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc và chuyên gia quốc phòng nhận định tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp sẽ nằm trong chiến thuật đánh bao vây chống lại các hệ thống phòng không được cải tiến vốn gây khó khăn cho cả máy bay ném bom tàng hình.
Nỗi lo chiến tranh
Trước đó, trong bản báo cáo hồi tháng 12-2016, Hội đồng Khoa học Quốc phòng Mỹ hối thúc ông Trump tính đến chuyện thay đổi vũ khí để đạt được nhiều hơn số VKHN hiệu suất thấp nhằm sử dụng hạn chế. Các nhà phân tích nhận định 1/3 số VKHN hiện có của Mỹ được xem là hiệu suất thấp và hầu như mọi đầu đạn mới nhất được chế tạo với những tùy chọn hủy diệt kém hơn.
Theo các chuyên gia VKHN Mỹ, mục đích của Hội đồng Khoa học Quốc phòng là tăng số VKHN quy mô nhỏ nhằm ngăn cản đối phương sử dụng VKHN trước, chủ yếu là Nga. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng ngay cả những VKHN có sức công phá yếu hơn vẫn có thể sát hại nhiều ngàn người và dẫn đến tình trạng môi trường bị hủy hoại kéo dài. Họ lo ngại việc mở rộng chế tạo đầu đạn hiệu suất thấp và những phương tiện bắn chúng có thể khiến cuộc chiến tranh hạt nhân trở nên hiển hiện hơn và khiến các đối thủ phản ứng, làm cho cuộc xung đột hạt nhân nhiều khả năng xảy ra hơn.
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump từng bày tỏ quan điểm: “Mỹ phải tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân của mình cho đến khi thế giới ý thức được về VKHN”. Tương lai của kho VKHN Mỹ cũng đã là một vấn đề được nêu lên trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016. Khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ sẵn sàng thay đổi hoàn toàn chính sách tồn tại hàng thập kỷ của Mỹ, cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu VKHN để ngăn chặn cuộc tấn công từ Triều Tiên. Theo Hiệp ước Không phổ biến VKHN, 5 quốc gia được phép sở hữu loại vũ khí hủy diệt này gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Theo tạp chí Commentary, tân chính quyền Mỹ có thể bỏ hoặc trì hoãn một số khía cạnh hiện đại hóa để cắt giảm chi phí. Họ cũng có thể tăng thuế, tăng tình trạng thâm hụt ngân sách hoặc cắt các chương trình trong nước - những biện pháp mà cử tri Mỹ không hề ưa thích. Gần đây, Tổng thống Trump cho rằng vũ khí nguyên tử có thể là phản ứng thích hợp đối với cuộc tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đề cập VKHN nói chung, ông còn khẳng định: “Sức mạnh và sự hủy diệt là điều rất quan trọng đối với tôi”.
Trong bối cảnh đó, theo website Roll Call, 34 cựu nhân viên kiểm soát việc phóng hạt nhân cùng ký tên vào lá thư ngỏ khuyến cáo Tổng thống Trump “không nên đặt ngón tay vào nút bấm hạt nhân”. Các nhà lập pháp Mỹ cũng đang cân nhắc trong năm nay sẽ đưa ra một dự luật lần đầu tiên trao cho quốc hội, chứ không phải tổng thống, quyền bấm nút tấn công hạt nhân trước dù cơ hội thông qua không lớn.
Phản đối và ủng hộ
Bất kỳ nỗ lực chế tạo loại vũ khí mới nào, thậm chí chỉ thay đổi các vũ khí hiện có, nhằm mở rộng kho VKHN có thể sử dụng được nhiều khả năng kích động sự phản đối. “VKHN có một vai trò và vai trò duy nhất, đó là ngăn chặn. Không thể có một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế. Đối với Hội đồng Cố vấn của Lầu Năm Góc, chỉ mới đưa ra một đề nghị như vậy thôi cũng đã gây ra mối quan ngại sâu sắc rồi. Tôi chắc chắn rằng đề xuất nghiên cứu VKHN hiệu suất thấp chỉ là bước đi đầu tiên để biến ý định này thành hiện thực. Trước đây, tôi từng chống lại những nỗ lực khinh suất đó và sẽ tiếp tục phản đối” - thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein, bang California, thẳng thắn.
Tuy nhiên, các thành viên bảo thủ tại các ủy ban quốc phòng của Quốc hội Mỹ nhìn chung đều ủng hộ việc điều nghiên các tùy chọn hạt nhân mới.
Kỳ tới: Nga ưu tiên vũ khí hạt nhân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-2
Bình luận (0)