Bình Nhưỡng hôm 3-2 đã lên tiếng khuyến cáo rằng sự cam kết của Mỹ và Hàn Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa mới đang đẩy bán đảo Triều Tiên đến bên bờ cuộc chiến tranh hạt nhân. Hãng thông tấn KCNA tuyên bố Bình Nhưỡng nhận định hệ thống tên lửa này nằm trong âm mưu chung giữa Seoul và Washington để chuẩn bị một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên.
Hai tiến bộ kỹ thuật
Theo đài CNN, thông báo trên được đưa ra cùng ngày với chuyến công cán của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Seoul, nơi ông hứa triển khai hệ thống phòng thủ tầng cao giai đoạn cuối (THAAD) để bảo vệ binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc.
Năng lực hạt nhân của Triều Tiên vẫn là điều bí ẩn với phương Tây Ảnh: JOURNAL-NEO
Trước đây, theo hãng tin UPI, Triều Tiên từng đổ lỗi cho chính quyền của cả hai đời tổng thống Mỹ George Bush và Barack Obama vì đã đẩy Bình Nhưỡng đi theo hướng phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định nước này có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Trong thông báo đăng trên tờ Rodong Sinmun, Triều Tiên khẳng định cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ năm kể từ năm 2006 (diễn ra hồi tháng 9-2016) đánh dấu đỉnh cao năng lực hạt nhân của nước này.
Ngoài ra, báo Chosun đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho từng tuyên bố đất nước ông sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp để tăng cường các lực lượng vũ trang hạt nhân cả về số lượng lẫn chất lượng. Ông Ri cho biết chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhằm mục đích bảo vệ lòng tự trọng và quyền tồn tại cũng như để bảo toàn nền hòa bình thực sự trước mối đe dọa chiến tranh hạt nhân của Mỹ.
Người ta cho rằng Triều Tiên có một số tên lửa hạt nhân có thể được phóng đi bất cứ lúc nào. Tờ Daily Star (Anh) dẫn lời Tướng Joseph Dunford của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ thừa nhận: “Cách đây không lâu, đã có lúc chúng ta hoạch định cho một cuộc xung đột có thể xảy đến trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng ngày nay, năng lực về tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), về mạng và về không gian của Triều Tiên có thể mau chóng đe dọa đất nước chúng ta và các đồng minh của chúng ta ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Nhà phân tích Joshua Pollack, tạp chí Nonproliferation Review (Hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt) ở Washington, nhận xét trong năm 2016 vừa qua, Triều Tiên đã đạt được 2 tiến bộ kỹ thuật chủ yếu. Một là cuộc thử nghiệm lá chắn nhiệt - thành tố được thiết kế để bảo vệ đầu đạn hạt nhân khi bay trở lại bầu khí quyển, hai là vụ thử nghiệm giai đoạn đầu của ICBM di động KN-08. Theo ông Pollack, cả hai vụ thử này dường như đều nhằm mục đích khiến phương Tây có nhận thức đúng đắn về công nghệ ICBM của Triều Tiên.
Vẫn còn bí ẩn
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên chưa đủ năng lực gắn đầu đạn hạt nhân lên ICBM bắn đến nước Mỹ nhưng nước này có thể làm được điều đó vào năm 2020. Website Popular Science nhận định từ nay đến đó, có thể Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn đủ nhỏ để lắp ráp. Theo đài BBC, Triều Tiên quả quyết đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân dù điều đó chưa bao giờ được xác định và một số chuyên gia đã tỏ ra nghi ngờ tuyên bố này.
Hiện các chuyên gia phương Tây không nhất trí việc Triều Tiên đã đạt đến mức độ nào trong việc thu nhỏ thiết bị hạt nhân để có thể lắp vào tên lửa. Tháng 3-2016, người phát ngôn Nhà Trắng Peter Cook tuyên bố Mỹ vẫn chưa thấy Triều Tiên chứng minh khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Tuy vậy, 2 ngày sau, Đô đốc Bill Gortney, viên sĩ quan chịu trách nhiệm bảo vệ không phận Mỹ, lên tiếng khuyến cáo Bình Nhưỡng có thể bắn tên lửa trúng lãnh thổ của Mỹ, bất chấp cộng đồng tình báo nước này đánh giá rất thấp Triều Tiên về khả năng đó.
GS Siegfried S Hecker ở Trường ĐH Stanford, nhân vật am hiểu về sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhấn mạnh: “Chúng ta phải đặt giả thiết rằng Triều Tiên đã thiết kế và chứng minh đầu đạn hạt nhân của họ có thể lắp vào tên lửa tầm ngắn, thậm chí cả tầm trung bình”. Hồi tháng 9-2016, GS Hecker cho rằng vẫn còn là một chặng đường dài, khoảng 5-10 năm, để ICBM gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể bắn đến Mỹ nhưng nhiều khả năng điều đó có thể thực hiện được sớm nếu chương trình hạt nhân của nước này không bị hạn chế.
Theo báo The Daily Banter, Thae Yong-ho, nhà ngoại giao Triều Tiên đã bỏ sang Hàn Quốc hồi tháng 7-2016, tiết lộ rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân bằng bất cứ giá nào vào cuối năm 2017. Người này kể ông Kim tin rằng cả Hàn Quốc lẫn Mỹ đều không sẵn sàng ngưng phát triển vũ khí hạt nhân do sức ép của chính giới trong nước họ.
Theo Thae, mục đích của ông Kim là gây sức ép buộc cả Mỹ và Hàn Quốc áp dụng những chính sách chấp thuận một tình thế quân sự khiêu khích. Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ có thể có tác dụng đối với một vị tổng thống Mỹ bình thường, trong khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là nhà lãnh đạo như thế. Toàn bộ quan điểm của ông Trump dựa trên cơ sở nhận thức mang tính thống trị, qua đó ông muốn buộc các đối thủ phải bẽ mặt. Dĩ nhiên, đó là một thái độ có thể dẫn đến tình trạng đối đầu hạt nhân.
Kỳ tới: Mỹ và 1.000 tỉ USD
Mỹ sẵn sàng ngăn chặn
Theo thông tin đăng tải trên website Defense One đầu tháng 1-2017, các quan chức Triều Tiên gần đây thông báo nước này sắp thử nghiệm ICBM có thể bay đến Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “Sẽ không xảy ra”. Nếu Triều Tiên cố thử ICBM, Mỹ sẽ có một số phương án ngăn chặn. Để bảo vệ lãnh thổ, Mỹ có 30 tên lửa đánh chặn được triển khai trên mặt đất ở TP Fort Greely, bang Alaska và căn cứ không quân Vandenberg, bang California. Ngoài loại máy bay được trang bị tia laser, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đang nghiên cứu các phương pháp mới để ngăn chặn ICBM trước khi nó xâm nhập không phận nước này.
Cách đây 10 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry đã cùng bày tỏ: “Lẽ nào Washington cho phép một quốc gia (Triều Tiên) công khai thù địch với mình và trang bị vũ khí hạt nhân để hoàn thiện ICBM có thể đưa đầu đạn hạt nhân đến đất Mỹ? Chúng tôi tin rằng không”. Ông Trump cũng vậy.
Bình luận (0)