Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc mới là mục tiêu thực sự đằng sau thông báo của Tổng thống Donald Trump về ý định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.
Trong gần 1 năm qua, các tư lệnh quân sự hàng đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương thúc giục Washington đương đầu với tham vọng tên lửa ngày càng tăng của Trung Quốc - hoặc tìm cách đưa Trung Quốc tham gia hiệp ước INF hoặc phát triển vũ khí mới để đối phó.
Trả lời giới truyền thông hôm 22-10, Tổng thống Trump cho biết kho vũ khí ngày càng phình to của Bắc Kinh đóng vai trò phần nào trong quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí được ký kết thời Chiến tranh lạnh dù Trung Quốc không là một bên liên quan đến thỏa thuận.
Một số quan chức quân sự Mỹ đã quả quyết trong suốt nhiều tháng rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng ký hiệp ước này, các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ bị "tê liệt" bởi kho tên lửa mặt đất của Bắc Kinh. INF hiện cấm các tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km nên 90% tên lửa trong kho Trung Quốc có thể bị đặt ra "ngoài vòng pháp luật" nếu nước này chịu tham gia hiệp ước.
Các quan chức Mỹ nói trên cũng lập luận Washington cần tự do phát triển lực lượng tên lửa của mình tại khu vực trong trường hợp Bắc Kinh không phải chịu sự hạn chế ràng buộc nào.
Xe quân sự chở tên lửa hạt nhân và quy ước tại cuộc diễu binh kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ
"Đang có sự mất cân bằng quân sự đáng lo ở châu Á. Trung Quốc theo đuổi một chiến lược dựa trên tên lửa" - ông Eric Sayers, từng là trợ lý đặc biệt của Đô đốc hải quân Mỹ Harry Harris (hiện là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc), nhận định. Theo tạp chí Politico, ông Harris từng tuyên bố trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ hồi đầu năm rằng Washington hiện chưa có loại tên lửa nào đương đầu được với năng lực tên lửa trên mặt đất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải quan chức quân sự Mỹ nào cũng đồng ý với lập luận trên. Tướng không quân Paul Selva, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, bác bỏ ý kiến hiệp ước INF cản trở quân đội Mỹ đối phó Trung Quốc.
Theo ông Selva, hiệp ước này không hề cấm Mỹ phát triển và triển khai loại tên lửa tầm trung được phóng từ tàu chiến, tàu ngầm và máy bay. Mặt khác, theo Reuters, giới chuyên gia cảnh báo việc Mỹ rút khỏi hiệp ước trên có thể buộc Bắc Kinh lao vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém khi chi nhiều hơn vào các hệ thống phòng thủ tên lửa, từ đó đe dọa làm leo thang căng thẳng tại châu Á - Thái Bình Dương.
Không có gì lạ khi cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại trước thông báo của ông Trump. Ủy ban châu Âu thúc giục Mỹ và Nga đối thoại để duy trì hiệp ước, còn Trung Quốc kêu gọi Washington "suy nghĩ lại". Nỗi lo này gia tăng sau khi ông chủ Nhà Trắng hôm 22-10 còn đi xa hơn với tuyên bố chính quyền ông có kế hoạch mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhằm phát đi tín hiệu đe dọa đến bất kỳ nước nào Washington muốn, như Trung Quốc hoặc Nga. Trang HuffPost nhận định động thái trên, nếu diễn ra, có thể khởi động một cuộc đua vũ trang khác trên toàn cầu.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đang có mặt ở Nga để thảo luận về số phận hiệp ước INF. Trả lời phỏng vấn báo Kommersant sau khi lần lượt gặp Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nikolai Patrushev của chủ nhà hôm 22-10, ông Bolton cho biết phía Moscow khẳng định không hề vi phạm hiệp ước và tố Washington mới là bên làm điều này.
Hai bên cũng bàn về khả năng gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí START mới nhưng ông Bolton nhấn mạnh Mỹ muốn giải quyết vấn đề INF trước.
Bình luận (0)