Đó là tiết lộ của ông Robert Cardillo - Giám đốc Cơ quan Tình báo Địa - Không gian Quốc gia (NGA), một cơ quan do thám bí mật của Mỹ - trong cuộc điều trần gần đây trước quốc hội Mỹ.
Theo trang Atimes ngày 11-10, trong cuộc điều trần công khai hiếm hoi nêu trên, ông Cardillo khẳng định NGA đang giữ vai trò trợ giúp chủ chốt đối với chiến lược xoay trục quân sự và ngoại giao của Lầu Năm Góc sang châu Á, trong đó có việc tăng cường thu thập tin tình báo bên cạnh hoạt động dịch chuyển lực lượng quân sự tới khu vực này. Giám đốc NGA cho biết tổ chức của ông đang theo dõi sát sao các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biển Đông bằng vệ tinh và máy bay do thám, từ đó bóc trần ý đồ thực sự đằng sau những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh khẳng định là chỉ có mục đích thương mại, du lịch.
“Chúng tôi đã xác định những cấu trúc và thiết bị liên quan tới quân sự trên các hòn đảo này ít nhất cũng tạo điều kiện cho Bắc Kinh đồn trú lực lượng thường trực tại đó” - giám đốc NGA chỉ rõ trong phiên điều trần có sự tham dự của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ (SSCI). Theo ông Cardillo, NGA đã đi đến kết luận những hòn đảo trái phép nêu trên của Trung Quốc đang được xây dựng để phục vụ các chiến dịch quân sự tương lai.
Trong khi đó, Viện Công nghệ an toàn năng lượng hạt nhân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ngày 11-10 tiếp tục hé lộ một dự án đầy tham vọng được khẳng định mang mục đích dân sự: Phát triển một trạm điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới đặt vừa trong một container tiêu chuẩn (dài khoảng 6,1 m, cao 2,6 m) và có thể triển khai ở các đảo nhân tạo phi pháp tại biển Đông.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong vòng 5 năm tới, trạm điện hạt nhân với tên gọi hedianbao (có nghĩa là “trạm điện hạt nhân di động”) này có thể là nguồn năng lượng lý tưởng cho các tiền đồn hải quân trên các đảo ở biển Đông. Với khả năng tạo ra lượng điện đủ dùng cho khoảng 50.000 hộ gia đình, nó nằm trong dự án được quân đội Trung Quốc tài trợ một phần kinh phí.
Đài RT cho biết các nhà nghiên cứu thừa nhận công nghệ sử dụng cho thiết bị nêu trên tương tự lò phản ứng nhiệt hạch trên các tàu ngầm Liên Xô vào những năm 1970. Trung Quốc có lẽ là quốc gia đầu tiên định sử dụng công nghệ này trên bờ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với hệ sinh thái và hậu quả sẽ vô cùng dai dẳng nếu một thảm họa hạt nhân xảy ra trên biển Đông.
Bình luận (0)